Ký ức không phai của những người giữ biên cương phía Bắc
Tin tức - Ngày đăng : 18:45, 16/02/2019
Dân quân huyện Văn Quán, tỉnh Lạng Sơn vừa bám trụ chiến đấu, vừa tổ chức vận chuyển đạn kịp thời đến trận địa phục vụ bộ đội pháo binh tiêu diệt địch. Ảnh: Hà Việt-TTXVN
Hành quân từ Nam ra Bắc
Rạng sáng 17.2.1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới với Việt Nam, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược trong 30 ngày và những xung đột nhỏ hơn còn kéo dài suốt 10 năm sau đó. Lúc này, cả đất nước đang dồn lực cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngay khi chiến sự nổ ra, để kịp đối phó với quân địch, Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng tuyến sau lên bảo vệ biên giới.
Cựu chiến binh Bùi Đình Hải ở khu dân cư Tường, phường Văn An (Chí Linh) vẫn nhớ như in chuyến hành quân thần tốc của đơn vị ông từ Nam ra Bắc để thực hiện nhiệm vụ mới. Nhận lệnh của chỉ huy, cả đơn vị của ông Hải (Trung đoàn 42, Sư đoàn 327) từ biên giới Campuchia hành quân bằng tàu ra Bắc, thẳng tiến lên Lạng Sơn. “Khi nghe thông tin quân địch đánh qua biên giới, chúng phá hoại công trình dân sinh, đe dọa sự an toàn của người dân, anh em càng nôn nóng muốn tới nơi, quyết tâm tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ từng tấc đất quê hương”, ông Hải nhớ lại.
Đến Lạng Sơn, do yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị của ông Hải được biên chế sang Quân đoàn 5 (sau là Quân đoàn 14) làm nhiệm vụ trinh sát. Ông Hải cùng đồng đội phải tìm cách luồn sâu vào địa phận của Trung Quốc, nắm thông tin để báo về cho lực lượng ta. Đêm hành quân, ngày ngụy trang trong các bụi cỏ tranh, cuộc sống chủ yếu trong rừng với rất nhiều gian nguy. “Bữa ăn hằng ngày chỉ có gạo sấy, lương khô, hôm nào thèm rau anh em hái rau rừng ăn tạm. Vì tính chất nhiệm vụ là trinh sát, nếu bị lộ có thể cả đơn vị sẽ bị địch tiêu diệt nên anh em không được nấu ăn, mọi thứ đồ ăn đều ăn liền hết”, ông Hải kể. Thường các đợt trinh sát kéo dài 2-3 tuần hoặc 1 tháng, nhưng cũng có đợt kéo dài 2-3 tháng mới được về.
Trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Bùi Đình Hải hăng say lao động, sản xuất
Vững tâm trước thủ đoạn của kẻ thù
Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Cự ở xã Toàn Thắng (Gia Lộc) không thể quên trận chiến quyết liệt của quân và dân ta tại Lạng Sơn ngay trong những ngày đầu địch xâm lược. Dù không trong diện phải lên đường nhập ngũ, nhưng chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Cự vẫn quyết tâm cùng bạn bè lên đường đánh giặc. Tháng 11.1978, ông rời quê hương lên đường nhập ngũ, được huấn luyện tại Tràng Bạch (Quảng Ninh), biên chế thuộc Trung đoàn 540, Sư đoàn 327 (Quân khu 3). Ngày 18.2, Quân khu 3 cho Sư đoàn bộ binh 327 (gồm Trung đoàn bộ binh 42, 75, 540 và Trung đoàn pháo binh 120) từ Quảng Ninh tăng cường cho Quân khu 1 bảo vệ Lạng Sơn.
“Khi tôi cùng đơn vị lên tới nơi, cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra rất khốc liệt. Trên đường hành quân vào các khu trọng điểm, chúng tôi chứng kiến không ít đồng đội bị thương được xe chở ra ngoài. Đi tới đâu thấy cảnh tan hoang đến đó. Lính Trung Quốc còn phá hoại triệt để nhà ga, bến xe, cầu cống của ta. Nhìn thấy cảnh đó, anh em lại càng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù”, ông Cự nhớ lại. Có những trận kháng cự của ta kéo dài hơn 24 giờ, địch quyết tâm chiếm, ta quyết tâm giữ nên luôn trong thế giằng co quyết liệt. Chênh lệch lực lượng quá lớn nhưng phía Trung Quốc cũng phải thực hiện nhiều đợt tấn công lớn mới chiếm được các vị trí quan trọng.
Ngày 2.3.1979, Quân đoàn 5 được thành lập, các sư đoàn bộ binh đang chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn cùng các trung đoàn, binh chủng của Quân khu 1 được đặt dưới quyền chỉ huy chung của Bộ Tư lệnh quân đoàn. Sau khi quân Trung Quốc được bổ sung lực lượng, chúng tiếp tục đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Tối 4.3.1979, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 5 thông qua và bắt đầu triển khai phương án mở chiến dịch phản công. Cùng thời điểm này lực lượng tăng cường của Quân đoàn 1 cũng đã hoàn tất triển khai vào vị trí chiến đấu trên tuyến Chi Lăng - Đồng Mỏ - Hữu Kiên phía nam thị xã. Trung đoàn pháo binh 204 với 36 dàn hỏa tiễn bắn loạt 40 nòng BM-21 đã tập kết và lấy phần tử sẵn sàng khai hỏa. Ngày 5.3, lệnh tổng động viên trong toàn quốc được ban hành. Cùng ngày hôm ấy, Trung Quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam. Do đó, Bộ Quốc phòng quyết định cho dừng chiến dịch phản công.
Mặc dù Trung Quốc đã tuyên bố rút quân nhưng tình hình biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đó vẫn rất căng thẳng. Lực lượng của ta vẫn phải cắm chốt tại các điểm trọng yếu. Năm 1980, đơn vị ông Cự được điều động vào bảo vệ cột mốc số 48. Những ngày tháng cắm chốt, các chiến sĩ không phải chiến đấu quyết liệt nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu lương thực. Thêm vào đó, bộ đội phải đối diện với những thủ đoạn mua chuộc tâm lý của kẻ địch. “Biết bộ đội Việt Nam thường xuyên thiếu thốn đồ dùng, thức ăn nên ngoài việc phát loa tuyên truyền bọn chúng còn thả bè trôi trên sông với đủ loại nhu yếu phẩm như kẹo, thuốc lá, đồ ăn… Mặc dù khi ấy đói lắm nhưng anh em nhắc nhở nhau quyết tâm không lấy để không mắc bẫy của kẻ địch”, ông Cự nói. Chỉ đến gần Tết năm 1981, lúc này hậu phương chi viện nhiều thuốc men, đồ ăn thì bộ đội cắm chốt mới đỡ vất vả. “Tết có cả lợn để mổ, anh em lên núi chặt cành đào rừng về cắm… Đó là cái Tết to nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi”, ông Cự chia sẻ thêm.
THANH HOA