Trung Quốc thổi phồng số liệu để giấu tình trạng "rất, rất yếu"?
Thế giới - Ngày đăng : 08:17, 17/02/2019
Số liệu kinh tế của Trung Quốc bị nhiều chuyên gia nghi ngờ là "không đáng tin cậy" - Ảnh: CNN
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế giới đang cuống cuồng tìm cách đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình suy thoái kinh tế tại Trung Quốc. Hiểu được tường tận cuộc khủng hoảng rất quan trọng để họ đưa ra các quyết định đầu tư, tuyển dụng nhân sự...
Nhưng vẽ ra một bức tranh rõ ràng là rất khó.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ trong năm 2018. Các thương hiệu hàng đầu thế giới như Apple, Caterpillar... viện dẫn chuyện kinh doanh bết bát ở Trung Quốc để thanh minh cho báo cáo doanh thu gây thất vọng.
Nhiều nhà phân tích đánh giá tình hình thực tế có thể tệ hơn số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc.
"Các chỉ số GDP Trung Quốc công bố toàn là tầm bậy. Tất cả chúng ta đều hiểu chúng không hề đáng tin cậy" - ông Leland Miller, Giám đốc điều hành hãng tư vấn China Beige Book, nhận xét không chút e dè.
China Beige Book thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc khắp các ngành công nghiệp để đi đến kết luận kinh tế Trung Quốc đang thực sự "rất, rất yếu" ở thời điểm hiện tại so với những gì Chính phủ Trung Quốc công bố, và tình hình không có khả năng sớm thay đổi.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Apple đang trải qua "mùa đông" ở Trung Quốc - Ảnh: CNN
Trung Quốc đang vật lộn giải quyết hậu quả của chiến dịch dọn dẹp nợ xấu và cuộc thương chiến với Mỹ.
Các chuyên gia nghi ngờ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm công bố nhiều dữ liệu quan trọng - chỉ lo tập trung "tô vẽ" để làm đẹp lòng chính phủ thay vì đánh giá chính xác sức khỏe nền kinh tế.
Học giả Derek Scissors - Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - nhận xét khó để xác định tỉ lệ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc vì nhiều dữ liệu "không hợp lý". Ví dụ, số liệu về kích cỡ nền kinh tế so với thu nhập trung bình của người dân không phù hợp.
Vì lý do đó, cũng giống như China Beige Book, các doanh nghiệp quốc tế buộc phải tự đi tìm câu trả lời.
Hãng nghiên cứu thị trường Capital Economics thẩm định một loạt dữ liệu về Trung Quốc bao gồm vận tải đường biển, sản xuất điện và cho vay tài chính để làm chỉ dấu thay thế.
Dựa trên đó, họ kết luận rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 5% trong năm ngoái thay vì con số chính thức 6,6%.
Người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm tiết kiệm hơn trong bối cảnh kinh tế chậm lại - Ảnh: CNN
"Kinh tế sẽ mỗi lúc một tệ hơn trong những tháng tới" - ông Wei Bingyu, chủ một nhà máy sơn công nghiệp ở Bắc Kinh, dự đoán.
Mới tháng trước, chỉ số đo lường sức khỏe khối sản xuất của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm trở lại đây.
Các nhà đầu tư đang chăm chú theo dõi kinh tế Trung Quốc để chộp bất cứ dấu hiệu nào của sự suy thoái, cho đến nay chúng bao gồm lợi nhuận công nghiệp và xuất khẩu giảm.
Hành vi của người tiêu dùng cũng là một chìa khóa.
Dữ liệu chính thức khẳng định chi tiêu của dân Trung Quốc tăng 10% trong năm 2018, nhưng tại sao thị trường xe hơi giảm lần đầu tiên trong 20 năm? Và tại sao doanh thu bán lẻ trong dịp Tết âm lịch tăng chậm nhất trong hơn 10 năm?
"Số liệu chính thức của Trung Quốc có lẽ đã thổi phồng tăng trưởng tiêu dùng" - nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận định.
Ông ước tính chi tiêu ở các đô thị lớn của Trung Quốc đã giảm khoảng 3% năm ngoái, cho thấy tầng lớp trung lưu đang "thắt lưng buộc bụng".
Điều này phù hợp với ý kiến của một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Zhou Chang, chủ một phòng gym ở Bắc Kinh cho biết khách hàng của ông ngày càng tiêu xài ít đi.
"Gym không giống như ăn, mặc, ở hay đi lại. Những cái kia là cần phải có, tập thể hình thì không. Khi kinh tế chậm lại, nhiều phòng gym phải tạm đóng cửa hoặc phá sản" - ông Chang nêu nhận xét.
PHÚC LONG (Tuổi trẻ)