Giảm nhân lực nhờ vận hành trung tâm điều khiển xa

Kinh tế - Ngày đăng : 09:54, 19/02/2019

Nhằm phát triển hệ thống lưới điện hiện đại, thời gian qua Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) đã tiến hành xây dựng Trung tâm Điều khiển xa.

Việc vận hành Trung tâm Điều khiển xa mang lại nhiều lợi ích cho cả ngành điện và khách hàng

Trạm biến áp không người trực

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2016, Điện lực Hải Dương có kế hoạch xây dựng Trung tâm Điều khiển xa. Công ty sẽ xây dựng 1 Trung tâm Điều khiển xa để chuyển tất cả 12 trạm biến áp (TBA) 110kV do công ty quản lý thành trạm không người trực và thực hiện điều khiển xa các Recloser, máy cắt tại lưới điện trung thế. Việc chuyển các TBA 110kV hiện có sang trạm không người trực được tiến hành theo 3 giai đoạn.

Ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng Trung tâm Điều khiển xa thuộc công ty cho biết: "Trên cơ sở của Phòng Điều độ trước đây, Điện lực Hải Dương đã nâng cấp lên thành Trung tâm Điều khiển xa. Công ty đã lựa chọn 4TBA 110kV gồm: Đại An, Phúc Điền, Tiền Trung và Ngọc Sơn để chuyển sang trạm không người trực. Việc lắp đặt hệ thống máy móc, đào tạo nguồn nhân lực tại trung tâm và các trạm 110kV đã cơ bản hoàn thành. Từ ngày 3.2, công ty đã chính thức đưa trung tâm vào vận hành. Toàn bộ việc thao tác tại 4 TBA 110kV được thực hiện từ xa có giám sát tại trạm".

Để vận hành trung tâm, Điện lực Hải Dương đã chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực. Tại trung tâm, đơn vị lắp đặt hệ thống máy chủ có cài đặt phần mềm điều khiển riêng, kết nối với Trung tâm Điều độ miền Bắc. Đồng thời trang bị các máy kết nối với máy chủ và làm việc song song với nhau, có nhiệm vụ chính thu thập các tín hiệu giám sát, cảnh báo, đo lường từ các trạm 110kV chuyển về trung tâm để xử lý; thực hiện giám sát từ xa, thao tác và điều khiển từ xa các TBA 110kV...

Cùng với xây dựng hạ tầng, công ty chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng công tác vận hành trung tâm. Tất cả cán bộ của trung tâm đều được tập huấn, bổ sung kiến thức chuyên môn về điều khiển xa. Công ty đã bổ sung thêm 5 cán bộ làm việc tại trung tâm. Tại các trạm 110kV, công ty thành lập các tổ thao tác lưu động với số lượng mỗi tổ 10 người. Hiện nay, tổ thao tác lưu động hoạt động song song với các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại trạm. Sau khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định sẽ rút toàn bộ nhân viên vận hành tại trạm, khi đó tổ thao tác lưu động sẽ thực hiện nhiệm vụ chính là thao tác tại chỗ khi không thực hiện được thao tác xa và bàn giao thiết bị công tác tại trạm. 1 tổ lưu động phụ trách 5 trạm 110kV. Như vậy, ngành điện sẽ giảm được khoảng 7-8 lao động/trạm 110kV so với trước đây.

Phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn

So với vận hành truyền thống, việc đưa Trung tâm Điều khiển xa hoạt động mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Nếu trước đây, trạm 110 kV xảy ra sự cố, nhân viên của Phòng Điều độ phải xác nhận thông tin với nhân viên trực trạm 110kV, sau đó sẽ ra lệnh thao tác và xác nhận kết quả sửa chữa. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện qua điện thoại nên mất nhiều thời gian nhưng vẫn không nắm được chính xác sự cố. Khi vận hành Trung tâm Điều khiển xa, việc phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn rất nhiều bởi trên màn hình hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị tại các TBA 110kV; trên lưới trung áp xảy ra sự cố hay các điều bất thường. Tùy theo mức độ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên trung tâm sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Thời gian phát hiện sự cố, ra lệnh xử lý sẽ giảm nhiều so với trước đây. Thực hiện thao tác xa sẽ không còn tiếp xúc trực tiếp với thiết bị điện nên giảm nguy cơ mất an toàn lao động.

Do ứng dụng công nghệ hiện đại nên toàn bộ dữ liệu của các trạm 110 kV đều được lưu lại trung tâm. Các số liệu này sẽ được lưu trữ phục vụ quá trình vận hành, tính toán, quản lý nhu cầu điện năng như dự báo phụ tải, phân đoạn sự cố, tính toán độ tin cậy cung cấp điện, phục vụ công tác đầu tư, sửa chữa lưới điện...Về lâu dài, hệ thống SCADA tại Trung tâm Điều khiển xa sẽ được phát triển để kết nối và điều khiển đóng cắt, giám sát thiết bị của lưới điện trung thế như cầu dao, phụ tải, tủ RMU và các Recloser trên lưới điện trung áp thực hiện tự động phân vùng sự cố và chuyển phương thức khi có sự cố xảy ra.

Ông Phạm Hoàng Phương, Trưởng trung tâm cho biết thêm: "Với những lợi ích mà Trung tâm Điều khiển xa mang lại, chắc chắn việc vận hành hệ thống điện của Hải Dương trong thời gian tới sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Từ đó nâng cao hiệu quả trong vận hành và độ tin cậy của khách hàng trong sử dụng điện. Điện lực Hải Dương vẫn tiếp tục bổ sung máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình để chuyển toàn bộ các TBA 110kV còn lại sang phương thức vận hành không người trực".

THANH HÀ