"Hạ cánh" có còn an toàn?

Chính trị - Ngày đăng : 11:29, 28/02/2019

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức trên cổng thông tin của Bộ Nội vụ.

Trong đó, bổ sung quy định về kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ việc và sửa đổi, bổ sung quy định tuyển dụng công chức là những nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật sửa đổi này.

Việc bổ sung điều khoản về kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác bảo đảm tính nghiêm khắc và nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, góp phần xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét” tồn tại ở một số cán bộ, công chức. Có ý kiến cho rằng quy định này là căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm của cán bộ đã nghỉ hưu. Sẽ không có chuyện “hạ cánh an toàn” đối với cán bộ nghỉ hưu khi đương chức có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sắp nghỉ hưu trong các cơ quan nhà nước.

Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức bổ sung quy định: Cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác và đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về Đảng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: khiển trách; cảnh cáo; xóa tư cách chức vụ, chức danh đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm (khoản 5, điều 78).  

Trong dự thảo luật, quy định xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm có 2 phương án được đưa ra xin ý kiến. Phương án 1, áp dụng đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức. Phương án 2, chỉ áp dụng với những cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương, cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương. Nhiều người dân tán thành phương án 1 với lý do, không nên “khoanh vùng” trong xử lý cán bộ về hưu có vi phạm. Bởi lẽ mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm mới là yếu tố quan trọng để xem xét xử lý chứ không phải vị trí, cấp bậc.

Cùng với đó, thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật cũng được sửa đổi để phù hợp hơn. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật. Thực tế, quy định như vậy là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ vi phạm. Một số trường hợp bị xử lý kỷ luật về Đảng hoặc xử lý hình sự cho hưởng án treo khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu.

Điều 80 sửa đổi thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Cụ thể, 4 vi phạm là trường hợp cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật Đảng bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng; có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.

Theo ông Bùi Xuân Huấn, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 4, phường Nhị Châu (TP Hải Dương), hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực, trình độ hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Một phần nguyên nhân là do cơ chế tuyển dụng còn bất cập. Việc tuyển dụng công chức, viên chức hiện vẫn chưa thực sự gắn với vị trí việc làm, chưa gắn quyền của người sử dụng công chức với quyền tuyển dụng công chức… Ông Huấn đồng tình với quy định sửa đổi, bổ sung. Theo ông, quy định rõ phương thức xét tuyển đối với một số trường hợp, áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, tuyển dụng người có tài năng đặc biệt là việc làm cần thiết, phù hợp nhằm thu hút nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Bộ Nội vụ vẫn tiếp tục lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đến ngày 24.3.2019.

HÀ NGA