Nhận biết và ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhập

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:09, 02/03/2019

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện lần đầu tiên tại Kenya (châu Phi) vào năm 1921, sau đó lây lan ra hơn 20 quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.



DTLCP không gây nguy hiểm cho con người nhưng sẽ gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi nếu không thể kiểm soát.

DTLCP có tỷ lệ chết cao, có thể lên đến 100%, bệnh lây lan rộng qua phương tiện vận chuyển lợn, vật chủ trung gian truyền bệnh, thức ăn thừa của con người... Thời gian ủ bệnh của lợn từ 4-19 ngày. Lợn bệnh có triệu chứng xuất huyết vành tai, đuôi, cẳng chân, nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao trên 40 độ, bỏ ăn... DTLCP khó có thể chẩn đoán, phân biệt bằng cách dựa vào triệu chứng lâm sàng và bệnh tích nên khi nghi lợn mắc bệnh DTLCP phải tiến hành lấy mẫu huyết thanh, phủ tạng để gửi đi xét nghiệm. Virus có sức đề kháng cao trong môi trường, khi bệnh xảy ra dễ thành dịch và tồn tại nhiều năm, khó thanh toán dịch. Bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, khi phát hiện lợn bị bệnh buộc phải tiêu huỷ toàn bộ đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả dương tính với DTLCP, cấm vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch ít nhất 30 ngày sau khi dịch bệnh xảy ra. Không điều trị cho lợn bệnh hoặc nghi mắc bệnh. 

Theo quy định, khi phát hiện DTLCP ở vùng dịch là xã, phường, thị trấn, các cơ quan liên quan phải thực hiện khoanh vùng ổ dịch và vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch), phun tiêu độc khử trùng liên tục 1 lần/ngày trong vòng tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn nào có biểu hiện bệnh. Chỉ được phép tái đàn sau 30 ngày tiêu huỷ, cơ sở chăn nuôi từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng đàn. 

Để phòng ngừa DTLCP, các hộ cần nuôi theo mô hình khép kín, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại; thực hiện sát trùng, tắm với tất cả người khi vào, ra khỏi trang trại; thực hiện quy trình xử lý phân, chất thải đúng kỹ thuật. Vệ sinh chuồng trại bao gồm: chuồng nuôi, khuôn viên trang trại, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ thú y... Kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào trang trại và thức ăn cho đàn lợn...

Theo Chi cục Thú y Hải Dương