Nhiều lao động Hải Dương dính bẫy lừa xuất khẩu lao động

Bạn đọc - Ngày đăng : 18:02, 23/03/2019

Một số lao động người Hải Dương đang mất ăn mất ngủ vì nộp tiền vào Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn mà không đi xuất khẩu lao động được.


Tên công ty trong phần đầu và tên trong dấu không thống nhất

Đầu tháng 3.2019, báo chí liên tục phản ánh Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn (Công ty Nam Hàn) có địa chỉ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) bị tố lừa đảo lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Trong số hàng trăm lao động dính bẫy, nhiều người ở Hải Dương. 

Những ngày qua, anh Nguyễn Văn H. ở xã Lê Lợi (TP Chí Linh) luôn lo lắng không biết bao giờ mới lấy lại được số tiền 150 triệu đồng đã đóng cho Công ty Nam Hàn. Anh H. chẳng ngờ mong muốn đi XKLĐ để đổi đời không những không thành mà bây giờ lại ôm thêm một khoản nợ lớn.    

Anh H. biết đến Công ty Nam Hàn qua giới thiệu của người anh họ Nguyễn Văn T.  Anh T. cũng đi XKLĐ. Hai anh em làm hồ sơ cùng thời gian nhưng anh T. nộp trước, anh H. nộp sau. Lúc đầu, anh H. băn khoăn chưa dám nộp hồ sơ vì biết xin visa đi Hàn khá khó. Khi anh T. nộp hồ sơ trước nhận được thông báo có visa, anh H. và anh T. cùng lên chi nhánh của Công ty Nam Hàn ở Hà Nội. Nhìn thấy visa của anh T. trên máy tính, lại được công ty giới thiệu làm thủ tục nhanh, không phải thi, học tiếng xong có visa là bay được nên anh H. cũng quyết định nộp hồ sơ. Tháng 1.2019, anh T. nộp hồ sơ và đóng 30 triệu đồng phí tư vấn hợp đồng visa E7 cho ông Huỳnh Chí Hiếu, Giám đốc chi nhánh công ty tại Hà Nội. Sau đó 2 tuần, anh tiếp tục chuyển cho ông Hiếu 120 triệu đồng. Khi có visa sẽ nộp nốt 70 triệu đồng, còn nếu muốn đi nhanh thì nộp 90 triệu đồng. Anh H. cho biết để có thể sang Hàn, người lao động phải đóng cho công ty tổng cộng 220 triệu đồng, rất nhiều người đã đóng đủ số tiền cho công ty nhưng không đi được. 

Anh Nguyễn Văn T. có lịch bay đi Hàn Quốc vào ngày 5.3, từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Anh T. đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho chuyến đi, vé máy bay vào TP Hồ Chí Minh đã đặt. Trước ngày bay, cả nhà làm cơm liên hoan chia tay anh T. Nhưng sau đó anh T. lại nhận được thông tin visa bị phía Hàn hủy nên không đi được. Khi nghe tin anh T. không nghĩ đó là sự thật. Mẹ anh T. suy sụp đến đổ bệnh, cả nhà mất ăn mất ngủ. 

Anh H. thông tin thêm, một số lao động khác có lịch bay vào ngày 1.3 cho biết khi ra sân bay, đợi mãi không có ai mang vé máy bay và visa cho họ. Những người này đã gọi điện cho công ty theo số cố định và di động thì đều tắt máy. Sau đó vài ngày, họ liên lạc được với phía công ty. Hai bên hẹn nhau giải quyết, công ty nói sẽ trả lại tiền cho mọi người nhưng không thể trả liền một lúc, đưa ra phương án sẽ trả trước cho tất cả các hợp đồng là 30%, sau đó trong vòng 1 tháng sẽ trả hết 70% còn lại. Nhưng đến nay, sau gần 1 tháng vẫn chưa ai nhận được đồng nào. 

Chị Trần Thị X. ở phường Tân Dân (TP Chí Linh) đã chuyển đủ số tiền 220 triệu đồng cho Công ty Nam Hàn. Lịch bay đã định vào ngày 8.3. “Nhìn thấy visa của mình trên màn hình máy tính, cứ nghĩ thế là yên tâm rồi, hóa ra visa đó chỉ là ảo mà thôi”, chị X. nói. Chị X. cũng không biết chính xác ở Hải Dương có bao nhiêu trường hợp giống như chị vì mỗi người tự làm hồ sơ nên không ai biết ai. Chị X. chỉ biết có khoảng 140 người ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước được công ty báo có visa, có lịch bay đều đã nộp hết số tiền 220 triệu, còn có nhiều người khác vẫn đang chờ visa đã đóng trước 30 triệu, 150 triệu…

Luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông (TP Hải Dương) cho biết theo bản hợp đồng tư vấn việc làm mà Công ty Nam Hàn đã ký với lao động, chưa cần xem chi tiết nội dung, nhìn tên công ty trong phần đầu và tên trong dấu đã thể hiện sự gian dối. Cụ thể, mục đại diện Bên A ghi: Công ty TNHH Quốc tế Nam Hàn, nhưng trang cuối của  hợp đồng, nội dung con dấu lại thể hiện Công ty TNHH Ngoại ngữ dịch vụ dịch thuật quốc tế Nam Hàn. Tra cứu thông tin doanh nghiệp thì đây là 2 công ty khác nhau, có địa chỉ gần nhau. Công ty TNHH Ngoại ngữ dịch vụ dịch thuật quốc tế Nam Hàn không có chức năng như nội dung hợp đồng thể hiện trong giao dịch với khách hàng. Như vậy, hợp đồng giao kết trái pháp luật. 

HÀ NGA