Con đường của tài năng

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:50, 01/04/2019

Nhiều người vẫn còn nhớ bàn thắng đẹp mắt bằng chân trái của tiền đạo Hoàng Đức ở phút 53, giúp U23 Việt Nam dẫn 2-0 trước U23 Thái Lan trong trận đấu tối 26.3 vừa qua.

Các cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam đã trình diễn một lối chơi đẹp mắt, giành chiến thắng thuyết phục 4-0 trước Thái Lan. 

Hoàng Đức sinh tại TP Hải Dương, năm nay 21 tuổi. Thuở nhỏ, Đức mê bóng đá đến mức nhiều ngày mưa rét vẫn đi đá bóng, dù bố mẹ can ngăn. Sớm bộc lộ năng khiếu ở môn thể thao vua nhưng con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của anh không bằng phẳng. Khi được chọn vào đội tuyển bóng đá U11 của tỉnh, bố mẹ Đức chưa đồng ý ngay vì sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con. Nhờ một số người công tác trong ngành thể thao và thầy cô thuyết phục, bố mẹ Đức mới cho con theo nghiệp bóng đá.

Tìm hiểu con đường trở thành tài năng bóng đá của một số cầu thủ quê Hải Dương khác như tiền đạo Văn Toàn, tiền vệ Việt Hưng, chúng tôi thấy có một điểm chung là các em đều bộc lộ niềm say mê và năng khiếu bóng đá từ nhỏ. Nhiều trung tâm đào tạo thể thao, câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp mời các em đến đầu quân. Lúc đầu, gia đình các em đều lo lắng, băn khoăn, thậm chí chưa đồng ý. Tuy nhiên, nhờ sự vận động của những người nhìn rõ năng khiếu của các em, muốn năng khiếu đó phát triển thành tài năng, gia đình các em đã đồng ý. Và đó là khởi đầu cho quá trình rèn luyện, đào tạo năng khiếu, để đến hôm nay đội tuyển Việt Nam có những tài năng bóng đá quê Hải Dương. Nếu ngày xưa gia đình các em không đồng ý cho các em theo bóng đá chuyên nghiệp thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ không có những tài năng bóng đá đó. Những cái tên Văn Toàn, Hoàng Đức, Việt Hưng có thể sẽ theo nghề khác, còn năng khiếu bóng đá sẽ bị thui chột. 

Từ chuyện bóng đá, tôi nghĩ đến việc định hướng chọn ngành nghề cho học sinh như thế nào để phát huy được năng khiếu, sở trường của mỗi em. Vẫn còn đó những gia đình muốn con chọn nghề theo ý của bố mẹ, không coi trọng năng khiếu, sở trường, sở thích của con mình. Không ít nhà trường, thầy cô chưa quan tâm phát hiện, nuôi dưỡng năng khiếu của từng học sinh. Nhiều trường thường coi trọng những học sinh học giỏi các môn văn hóa, mà ít quan tâm đến các em có năng khiếu về nghệ thuật, thể thao, giao tiếp, hoạt động xã hội... Hậu quả là, nhiều em có năng khiếu song không được phát hiện, nâng đỡ, phát triển, dẫn tới bị thui chột, lãng phí.

Năng khiếu là tố chất bẩm sinh quý giá của con người. Người có năng khiếu sẽ có tiền đề tốt để phát triển thành tài năng khi được giáo dục, đào tạo, rèn luyện. Thực tế, năng khiếu của học sinh rất đa dạng. Em này có năng khiếu học môn toán, em khác giỏi môn văn, tiếng Anh... Có em biểu hiện tố chất bẩm sinh trong các môn mỹ thuật, âm nhạc, lại có em thể hiện khả năng trong hoạt động thể thao, hoạt động xã hội... 

Ở nhiều nước phát triển, hệ thống giáo dục được tổ chức để phát huy tối đa năng khiếu chuyên biệt của từng học sinh. Chẳng hạn, những em có năng khiếu về âm nhạc hay thể thao sẽ được giáo dục, đào tạo theo một chương trình riêng để phát huy năng khiếu này. Ở nước ta hiện nay, nhìn chung, việc đào tạo năng khiếu còn nhiều hạn chế. Số học sinh có năng khiếu chuyên biệt được đào tạo chuyên sâu còn ít. Nhiều em học sinh với những năng khiếu chuyên biệt khác nhau vẫn phải học chung một chương trình, bị "đánh đồng" với nhau nên không phát huy được khả năng.

Để có nhiều tài năng ở các lĩnh vực, trước hết, cả nhà trường, gia đình, xã hội cần tôn trọng năng khiếu đa dạng của học sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định rằng mỗi học sinh đều có một thế mạnh nào đó. Điều quan trọng cần phát hiện đó là thế mạnh nào để bồi dưỡng, phát triển. Thầy cô giáo, cha mẹ học sinh là người gần gũi nhất, có thể phát hiện kịp thời nhất năng khiếu, đam mê, nguyện vọng của các em. Những năng khiếu ấy như những mầm non, cần được nuôi dưỡng, chăm sóc kịp thời để có cơ hội phát triển thành những tài năng trong tương lai. 

NINH TUÂN