Những món ăn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:33, 02/04/2019

Để chủ động phòng bệnh sán dây cũng như ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống.

Đặc biệt không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn tái, nem chua vì nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành; không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh vì nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn và không uống nước lã...

Nguy cơ từ những món ăn không bảo đảm vệ sinh


Việc mắc bệnh sán lợn chủ yếu liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Do vậy, con người chỉ bị nhiễm sán lợn khi ăn phải trứng sán hoặc nang sán trưởng thành có trong thịt chưa nấu chín kỹ, thịt sống, rau sống, thịt tái… Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn tái, nem chua, rau sống không vệ sinh. Đặc biệt một số món ăn có nguy cơ tiềm ẩn sán lợn nên tránh, đó là:

Tiết canh, theo các chuyên gia, tiết canh về bản chất là máu sống chế biến cùng các loại thịt, xương nên không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt... đang nhiễm bệnh. Do đó, nếu ăn tiết canh từ con vật bị bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu... nặng có thể dẫn tới tử vong.

Nem chua, là món ăn được làm từ bì lợn, thịt lợn, đường, gia vị... rồi cho lên men lactic. Trong quá trình chế biến và bảo quản, nếu không bảo đảm được vô trùng, món này rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn... Thính và thịt nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm cũng rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại. Đặc biệt, nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kỹ, nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải nem được chế biến từ thịt lợn gạo - loại lợn trong cơ có chứa các nang ấu trùng sán.

Rau sống, cũng là loại thực phẩm có nguy cơ cao chứa các loại ký sinh gây hại. Những loại rau như rau mùi, xà lách... thường nhiễm các loại giun, sán.

Mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống

Ốc, theo các chuyên gia, mỗi con ốc có thể chứa 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Do đó, nên ăn ốc chín, tuyệt đối không ăn ốc chín tái. Loại bỏ ruột ốc và não ốc khi ăn. Ruột ốc nằm ở đuôi ốc chứa nhiều chất bẩn, không nên ăn. Não ốc nằm ở đầu có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn số lượng nhiều.

Thịt bò tái, bít tết, theo các chuyên gia, ăn thịt bò tái có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan... Các ký sinh trùng này có thể gây bệnh tại hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột, gan và các cơ quan khác trong cơ thể.

Cách phòng bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn


Nhiễm sán lợn không phải cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết. Tuy nhiên, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu, triệu chứng điển hình, không gây sốt, nên người nhiễm sán sẽ gặp nguy hiểm nếu ấu trùng sán lợn tấn công vào não và tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và có thể để lại các biến chứng. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc gây mù.

Việt Nam là nước nhiệt đới, việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là không tránh khỏi. Nhất là đối với trẻ nhỏ, việc trẻ nghịch, chơi ở môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng là nguy cơ cao gây nhiễm giun sán. Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín.

Hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định người có bị nhiễm sán lợn hay không, đó là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên cả 2 xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán. Xét nghiệm máu sẽ có thể phát hiện dương tính với sán hay không sau khi ăn phải sán lợn gạo từ 10 đến 15 ngày. Người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương. Nhìn chung, các tổn thương có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tháng, song cũng có trường hợp tử vong do bị ấu trùng tấn công vào hệ thần kinh trung ương (nhưng trường hợp này hiếm gặp).

Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị sán lợn rất hiệu quả. Người nhiễm sán lợn hoàn toàn có thể được chữa khỏi và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ. Với người nhiễm sán trưởng thành chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Với người nhiễm ấu trùng sán thì cần điều trị dài ngày hơn, thường 2 tuần nhưng cũng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày. Thuốc điều trị bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole.

Đáng lưu ý là hiện phác đồ điều trị sán lợn chỉ áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên, do đó người dân không tự ý mua thuốc về dùng, cũng không nên điều trị bằng đông y, thuốc nam… vì dễ gây biến chứng nguy hiểm. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế chuyên ngành để kiểm tra, điều trị sớm. Bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể và bệnh nhân phải được theo dõi trong suốt quá trình điều trị.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân:

- Không ăn các thực phẩm sống như nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.

Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả bằng cách giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và cải thiện điều kiện vệ sinh.

KHANH BÙI (TTXVN)