Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 2: Giữ không được, bán cũng không xong

Kinh tế - Ngày đăng : 09:36, 03/04/2019

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện đã làm không ít hộ chăn nuôi điêu đứng bởi giá lợn xuống thấp, thậm chí nhiều nơi không có người hỏi mua.

>> Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Tiêu thụ thịt lợn khó khăn


Ở nhiều trang trại lợn khỏe, không bị bệnh nhưng vẫn khó bán vì ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi

Như ngồi trên đống lửa

Chưa kịp vui mừng vì bán được đàn lợn thịt trước Tết với giá cao, ông Dương Danh Ngát ở thôn Đông, xã Cổ Dũng (Kim Thành) lại thấp thỏm vì bệnh DTLCP. Từ ngày dịch này lan tới địa bàn huyện Kim Thành, gia đình ông đã thực hiện cấm trại, rắc vôi bột từ cổng đến khu vực xung quanh chuồng trại. Tiếp chuyện chúng tôi với vẻ mặt mệt mỏi, hốc hác, ông Ngát than vãn: “Trang trại có 200 con lợn thịt và 20 con lợn nái, trong đó có hơn 50 con lợn thịt đã đến thời điểm xuất bán. Trước đây, lợn chưa đến ngày xuất chuồng thì thương lái, chủ lò mổ tới tấp gọi điện đặt mua. Nhưng bây giờ, tôi phải chủ động gọi điện, gạ gẫm mà thương lái cũng chẳng thèm bắt máy. Lợn đã đạt trọng lượng 1 tạ/con, chưa xuất chuồng được đồng nghĩa với việc chi phí chăn nuôi ngày ngày bị đội lên”.

Cùng chung nỗi lo như ông Ngát, bà Phạm Thị Mây, chủ trang trại chăn nuôi lợn lớn ở thôn 19.5, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cũng mất ăn, mất ngủ vì đàn lợn. “Trang trại còn khoảng 500 con lợn thịt trọng lượng từ 80-100 kg/con. Lợn càng to càng khó bán. Nuôi thêm thì tốn kém thêm, thế nên dù rẻ có lẽ chúng tôi cũng phải cắn răng mà bán”, bà Mây nói.

Tính đến ngày 1.4, bệnh DTLCP đã có 10 huyện, thành phố. Không ít hộ chăn nuôi tìm đến các thương lái để bán số lợn khỏe, không nhiễm bệnh DTLCP đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng họ vẫn chần chừ không mua. Nguyên nhân do người dân ít mua thịt lợn, thậm chí loại bỏ thịt lợn ra khỏi bữa ăn hằng ngày nên lượng thịt bán ra cũng ít. Vì vậy các tiểu thương không mua lợn về mổ nhiều như trước. Nhiều hộ chăn nuôi lo lắng nếu dịch bệnh không được ngăn chặn kịp thời thì ngày nào lợn còn ở lại chuồng ngày đó còn phải tốn thêm chi phí. Thậm chí nếu lợn quá to tiểu thương cũng không mua vì nhiều mỡ. Để giảm chi phí, một số hộ đã phải dùng ngô để phối trộn thức ăn cho lợn hoặc thay thế bằng các loại thức ăn tự chế biến khác nhằm tiết kiệm chi phí.

Bị ép giá

Mặc dù đàn lợn không bị mắc bệnh DTLCP nhưng những ngày qua anh Nguyễn Văn Khái, chủ một trang trại chăn nuôi lợn tại thôn Nghĩa Dũng, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) vẫn đứng ngồi không yên. Vì ở tâm vùng dịch nên anh vừa phải tìm cách bảo đảm an toàn cho đàn lợn trước sự lây lan của dịch bệnh, vừa phải tìm cách tiêu thụ số lợn đã đến thời điểm xuất chuồng. "Đàn lợn 400 con gồm có hơn 100 con đã đến thời điểm xuất chuồng mà hỏi thương lái nào cũng lắc đầu, không mua. Nhiều tiểu thương vin vào tình hình dịch bệnh trả giá lợn quá bèo, chỉ bằng một nửa so với trước. Nếu cứ tiếp tục ép giá như vậy thì khó cho người chăn nuôi quá”, anh Khái nói.

Lợn khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn xuất bán, nhưng cũng vì nằm trong vùng dịch nên gia đình ông Phạm Văn Dũng ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) cũng bị tiểu thương bắt bí. Ông Dũng ngán ngẩm nói: "Mới sáng ra tìm được người mua lợn thì họ lại trả giá quá rẻ. Lợn hơi họ mua với giá 30.000 đồng/kg, chỉ bằng hơn một nửa so với trước khi chưa có dịch. Với giá bán như vậy, người chăn nuôi như tôi sẽ lỗ vốn". Không ít người chăn nuôi ở nơi đã công bố dịch đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu bán lợn ngay thì giá quá rẻ, nhưng tiếp tục nuôi lại phát sinh chi phí lớn. Thậm chí, ngay cả khi chấp nhận bán với giá rẻ nhằm cắt lỗ, người chăn nuôi cũng chưa chắc đã có thể bán được lợn. Theo cơ quan thú y, những trang trại trong vùng dịch chỉ được bán lợn khi có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch.

Để đối phó với bệnh DTLCP lây lan nhanh, công tác phòng chống dịch đang được cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh triển khai khẩn trương. Ngoài chủ động phòng chống dịch bệnh, công tác tuyên truyền không kịp thời thì người tiêu dùng dễ quay lưng lại với thịt lợn. Khi đó, không chỉ các tiểu thương gặp khó mà ngay cả người chăn nuôi cũng thiệt hại nặng nề. Vì vậy, cơ quan thú y cần có giải pháp cụ thể để khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm an toàn cho những trang trại chưa bị nhiễm DTLCP. Đặc biệt là tạo điều kiện giúp cho những chủ trang trại không nhiễm bệnh trong vùng dịch có thể bán lợn bình thường, không để tiểu thương ép giá.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ