Thanh Miện mở rộng các vùng nuôi thủy sản tập trung

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:27, 06/04/2019

Những năm qua, các vùng nuôi thủy sản tập trung (TSTT) của huyện Thanh Miện đã mang lại giá trị kinh tế cao. Do đó, người dân đang tích cực đầu tư trên những vùng nuôi TSTT mới.


Các vùng nuôi thủy sản tập trung của huyện Thanh Miện mang lại thu nhập cao cho người dân

Năng suất cá tăng

Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha đã có của ăn, của để nhờ nghề nuôi thủy sản. Từ kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, kết hợp với các biện pháp khoa học - kỹ thuật, năng suất cá của gia đình ông Bảy đã tăng lên, đạt khoảng 8 tạ/sào/vụ. Ông Bảy cho biết: "Nhờ nguồn nước của sông Đò Đáy nên khu vực này nuôi thủy sản thuận lợi. Trước đây, khi chưa áp dụng kỹ thuật, năng suất cá đạt thấp. Cá thường xuyên bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế không cao. Hiện chúng tôi đã biết sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nước ao nuôi, dùng máy quạt nước để tăng ô xy nên năng suất, sản lượng cá cao hơn trước. Mỗi năm tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng".

"Nhờ nuôi cá mà người dân ở đây giàu hơn trước", ông Nguyễn Văn Hân ở khu nuôi TSTT thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết nói. Trước đây, cả khu nuôi thuỷ sản rộng lớn này là cánh đồng chiêm trũng, cấy lúa bấp bênh. Năm 2005, ông Hân là một trong những hộ đi đầu mua đất đào ao thả cá ở khu vực này. Với 9 sào ao, ông nuôi ghép các loại cá rô phi, trắm, chép... Thời gian đầu, hiệu quả kinh tế chưa cao do năng suất thấp, đầu ra không ổn định. Sau một thời gian nuôi, các hộ đã biết liên kết, học hỏi kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng cá tăng lên. Năm 2018, khi UBND tỉnh đồng ý mở rộng diện tích nuôi thủy sản, ông Hân và con trai tiếp tục mở rộng thêm hơn 1mẫu ở khu vực nuôi mới. Mỗi năm, ông nuôi 2 vụ cá, mỗi vụ thu lãi hơn 50 triệu đồng. 

Ông Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Thủy sản Đoàn Kết chia sẻ: "Trước đây, khi chưa có khu nuôi TSTT này, đời sống người dân còn nhiều khó khăn do chỉ trông chờ vào cây lúa. Giờ đây, con cá mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với cấy lúa. Nhiều hộ còn dành tiền cho HTX vay lãi để làm vốn kinh doanh".


Vùng nuôi thủy sản ở thôn Hàn Lâm, xã Phạm Kha còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ

Thiếu điện, nước

Huyện Thanh Miện đã xây dựng được nhiều vùng nuôi TSTT ở các xã Đoàn Kết, Chi Lăng Bắc, Cao Thắng, Chi Lăng Nam, Ngô Quyền... Riêng năm 2018, UBND tỉnh đã cho phép huyện mở rộng thêm 2 vùng nuôi TSTT ở các xã Đoàn Kết (31,5 ha) và Ngũ Hùng (hơn 40 ha). Các vùng này được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Khu nuôi thủy sản mới của xã Đoàn Kết rộng 31,5 ha được chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đầu tư hơn 5 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1 tỷ đồng để xây dựng 3 km đường bê tông và đường điện. Mặc dù vậy, vùng nuôi thủy sản này vẫn gặp không ít khó khăn. Theo lãnh đạo HTX Thủy sản Đoàn Kết, khu nuôi thủy sản mới vẫn chưa có hệ thống lấy nước phục vụ các ao nuôi. Hằng tháng, HTX phải điều tiết nước để người dân có nước nuôi cá. Vào các tháng cuối năm, nước sông Cửu An ô nhiễm nặng, người dân không thể lấy nước vào các ao nên năng suất cá giảm. Cả khu nuôi thủy sản rộng hơn 81 ha chỉ có 1 trạm biến áp nên công suất điện không đủ phục vụ nhu cầu người dân nuôi thủy sản. Trong khi đó, người dân vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho con cá.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, tổng diện tích nuôi thủy sản của huyện hiện nay là 885 ha. Ở các vùng nuôi TSTT, người nuôi đều biết áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật nên năng suất và chất lượng cá tăng. Năm 2018, huyện đạt năng suất cá bình quân khoảng 60 tạ/ha, tăng hơn 4% so với năm 2017.

Các vùng nuôi TSTT ở Thanh Miện tương đối hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Để các vùng này tiếp tục phát triển, các cấp, các ngành cần sớm quan tâm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá đang gặp phải. 

TRẦN HIỀN