Khát vọng về một mùa xuân hạnh phúc
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 10:38, 07/04/2019
Trong cuộc sống, đôi khi có những điều rất nhỏ dễ bỏ qua với người này nhưng lại thấm thía và xúc động với người khác. Một sợi nắng mai, một tiếng chuông chùa, một vầng mây trắng... đều có thể ngân lên thành tiếng thơ giữa tâm hồn. Bằng trái tim nhạy cảm, dễ rung động trước những thời khắc giao mùa, nhà thơ Hữu Thỉnh đã để lại nhiều bài thơ hay, lắng đọng mãi nơi tâm hồn người đọc. "Những tiếng chim xuân" là thi phẩm nhẹ nhàng trong ý tứ, bình dị về ngôn ngữ, song đã giúp người đọc hình dung được vẻ đẹp mùa xuân tràn ngập, dịu dàng và hòa điệu với lòng người thương nhớ tha thiết.
Hình tượng thơ ở khổ đầu thật đẹp và trong sáng. Những tiếng chim tu rúc kêu bên mé đồi như gọi bóng xuân sang. Cỏ chỉ long lanh dưới ánh nắng mùa xuân soi chiếu. Không gian mở ra trang hoàng, thanh khiết, đẹp tươi như bức tranh của người họa sĩ yêu đời đang đắm mình trong sắc xuân xanh biếc. Âm thanh tiếng chim, sắc nắng mùa xuân và đặc biệt là sự chuyển động âm thầm của cỏ chỉ "kéo mầm" như hòa điệu với lòng người đang rung động, xuyến xao: "Những con chim tu rúc/ Về kêu bên mé đồi/ Mùa xuân trong cỏ chỉ/ Kéo mầm trong nắng soi".
Một cảm giác dịu êm, mơn man khắp đất trời bắt đầu từ những tiếng chim tu rúc. Dường như sức sống của cảnh vật mùa xuân càng bừng thức, nỗi nhớ và niềm khát khao tình yêu lứa đôi càng thêm đậm đà, cháy bỏng. Âm thanh những tiếng chim xuân đã lay động tâm hồn nhà thơ, khơi dậy nỗi nhớ nhung trong tháng ngày cách biệt. Nhìn đất trời đón xuân về "thật êm", tác giả so sánh "như là ta nhớ mình" kể cũng thật lạ: "Có cái gì thật êm/ Phả vào trong trời đất/ Như là ta nhớ mình/ Cả mùa đông cách biệt".
Đồng cảm với lòng người, cỏ cây hoa lá cũng bắt đầu "chuyển dần sang tháng giêng" khi nghe tiếng chim tu rúc báo hiệu tiếng xuân về. Khổ thơ thứ ba thật giàu hình tượng nhờ biện pháp tu từ nhân hóa đặc sắc, đặc biệt là cái nhìn tinh tế, giao cảm với ngoại vật của tác giả nên tất cả bỗng hóa thành thế giới mộng mơ như trong cổ tích: "Những mầm cây biết được/ Chuyển dần sang tháng giêng/ Gió vô tình bắt gặp/ Vội mang lên với rừng".
Ở khổ thơ trên, người đọc dễ dàng bắt gặp điệu tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ Hữu Thỉnh trước thiên nhiên trời đất. Cái sự "chuyển dần" của ngoại vật trong buổi giao mùa đã hòa điệu với hồn người thật tự nhiên, trong trẻo. Trong bài thơ "Sang thu" nổi tiếng, nhà thơ cũng có những câu thơ tinh tế và đẹp nao lòng như thế: "Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu".
Đâu chỉ có không gian ở một mé đồi trên đường hành quân mà dường như từ miền núi đến miền xuôi, tâm trạng thi nhân đều bắt gặp khoảnh khắc chuyển động của buổi xuân về. Hiểu được lòng ta nhớ mình, thương mình mà tiếng chim tu rúc kêu bên mé đồi đã níu kéo hạnh phúc tình yêu gần nhau, ấm lên "Ngỡ mình đang có đôi". Một khát vọng tự nhiên, hồn hậu và đậm chất nhân văn đã mở ra ở khổ thơ kết bài thật sâu lắng. Nhờ đó, bài thơ có sự lan tỏa của một nỗi niềm khát khao mãnh liệt: "Thế là chỉ tu rúc/ Về kêu bên mé đồi/ Và mưa bay như thể/ Ngỡ mình đang có đôi".
Với thể thơ 5 chữ, nhịp thơ chậm, giọng thơ trữ tình tha thiết, bài thơ thể hiện tâm trạng bâng khuâng, nhớ thương của tác giả khi lắng nghe những tiếng chim xuân trong buổi giao mùa. Sâu lắng hơn, đó còn là khát vọng về một mùa xuân hạnh phúc không chỉ cho tình yêu đôi lứa mà còn là niềm ước mơ về sự đoàn tụ, sum vầy của con người trước mùa xuân đất nước.
LÊ THÀNH VĂN
Những tiếng chim xuân Những con chim tu rúcVề kêu bên mé đồi Mùa xuân trong cỏ chỉ Kéo mầm trong nắng soi Có cái gì thật êm Phả vào trong trời đất Như là ta nhớ mình Cả mùa đông cách biệt Những mầm cây biết được Chuyển dần sang tháng giêng Gió vô tình bắt gặp Vội mang lên với rừng Thế là chỉ tu rúc Về kêu bên mé đồi Và mưa bay như thể Ngỡ mình đang có đôi. HỮU THÌNH |