Nhớ những ngày giữ chốt biên cương

Chính trị - Ngày đăng : 18:18, 07/04/2019

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, nhưng ký ức của các cựu chiến binh (CCB) năm xưa về những ngày cắm chốt canh gác bảo vệ từng tấc đất biên cương vẫn còn in đậm.

Với cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kinh Môn, ông Đoàn Đức Minh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà đồng đội có hoàn cảnh khó khăn

Thiếu đủ thứ

Tháng 7.1984, sau khi tốt nghiệp loại ưu Khoa Luyện kim, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tạm gác ước mơ trở thành kỹ sư, chàng thanh niên Nguyễn Thượng Sách (quê xã Văn Tố, Tứ Kỳ) khoác ba lô lên đường bảo vệ Tổ quốc. Khi ấy, cuộc chiến tranh biên giới đang ở giai đoạn 2, ta và địch giằng co từng mét đất nơi tuyến đầu Tổ quốc. Ngày 9.3.1984, sau 2 ngày hành quân từ điểm tập kết tại Quán Vuông thuộc Định Hóa (Thái Nguyên), chiến sĩ trẻ Nguyễn Thượng Sách cùng đồng đội hành quân lên tới điểm chốt tại bình độ 800 thuộc mặt trận Hà Tuyên cũ. Được biên chế trong Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 26, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, chiến sĩ Sách được giao nhiệm vụ truyền tin trực tiếp tới các chốt.

"Khi đó ngoài thông tin bằng vô tuyến, hữu tuyến thì lực lượng của ta còn dùng hình thức truyền tin bằng miệng, nhất là thông tin quan trọng liên quan đến chỉ đạo của cấp trên", ông Sách nhớ lại. Là lính thông tin nên ông Sách cùng đồng đội nằm chốt phía sau, nhưng thường xuyên phải truyền tin nên các chốt tuyến đầu cũng không hề xa lạ với ông. Ông Sách kể sống trên chốt rất vất vả, lúc nào cũng phải căng mình để theo sát từng hành động của địch. Nhiều khi chúng nã đạn pháo vào các điểm chốt của mình chẳng kể giờ giấc. Cuộc sống trên chốt thiếu thốn trăm bề, nhưng không có gì khổ bằng thiếu nước. Anh em nhiều ngày không tắm gội là chuyện thường. Lương thực không thiếu, nhưng rất thiếu rau xanh. Hôm nào có hoa chuối rừng hoặc có rau dớn (loài rau thuộc họ dương xỉ) thì bữa cơm hôm đó được coi là thịnh soạn. Lính gác tại các chốt thèm đủ thứ, mỗi lần đi truyền tin qua các chốt, ông Sách lại được đồng đội nhắn nhủ lần sau mang tiếp tế cho những thứ gì mà chốt thiếu. "Chắc chốt căng thẳng nên anh em lính trên chốt ai cũng thèm thuốc lá, lần nào họ cũng dặn lần sau tiếp tế cho ít thuốc lá. Trò giải trí duy nhất của lính trên chốt chính là môn cờ tướng. Tôi đã tận dụng vỏ pháo làm các bộ cờ tướng cho anh em trên chốt chơi mỗi khi hết phiên gác", ông Sách vui vẻ kể.

Kỷ niệm vui rất ít, chủ yếu là những câu chuyện buồn do ông Sách đã từng phải chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ. "Có những lần đi chuyển công văn, chiều hôm trước qua hầm của một đơn vị, thấy đồng đội vẫn vui vẻ, chào đùa. Vậy mà sáng hôm sau quay lại đã không còn một ai, tất cả bị pháo của địch san phẳng", ông Sách xúc động nhớ lại. Ác liệt là thế, nhưng ông Sách cùng đồng đội vẫn kiên cường bám chốt, giữ vững vị trí chiến đấu.

Mất mát, thương đau

Vào mặt trận Vị Xuyên giai đoạn sau, nhưng ký ức về thời kỳ tham gia bảo vệ biên cương trong tâm trí ông Đoàn Đức Minh, Chủ tịch Hội CCB huyện Kinh Môn vẫn còn sâu đậm. Tháng 3.1988, thượng úy Minh nhận nhiệm vụ lên chốt biên giới, giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 219, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đơn vị ông có nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên). Ông Minh tham gia chỉ huy Đại đội 5 công binh bảo đảm đường cơ động cho đội hình Sư đoàn 325 làm nhiệm vụ chiến đấu phòng ngự trên toàn mặt trận Vị Xuyên. Vì vậy các địa danh như cầu 304, cầu Thanh Thủy, làng Pinh, Sở chỉ huy đoàn (Cóc Nghè)... ông Minh đều nắm rõ. “Cứ sáng và chiều kẻ địch lại nã pháo sang ta, bắn phá điên cuồng. Pháo của chúng nã vào đâu đường sá hỏng tới đó, nhất là đoạn đường từ Sở chỉ huy tới vị trí bố trí của các trung đoàn phòng ngự. Cứ sau mỗi loạt pháo của địch, anh em trong đơn vị lại vác cuốc xẻng đi san đường, lấp hố để giao thông được thông suốt”, ông Minh nhớ lại.

Cuộc sống ở rừng thiếu thốn đủ thứ, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên chốt vô cùng nghèo nàn. Ai cũng chỉ ao ước có đoàn văn công về biểu diễn để anh em thỏa cơn thèm văn nghệ. Song những khó khăn, thiếu thốn đó không làm cho chiến sĩ lùi bước.

Điều đau xót nhất mà ông Minh phải chứng kiến đó là những đồng đội hy sinh nằm trên các xe tải thương về hậu cứ. Mỗi buổi chiều, sau khi xe tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm đi vào thì khi ra, chính những chiếc xe ấy lại làm nhiệm vụ tải thương. Tử sĩ có, người bị thương có, tất cả lên xe để chuyển ra hậu cứ. Không ít đồng đội của ông Minh đã nằm lại nghĩa trang xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Cuối năm 1988 đến đầu năm 1989, sau những đợt tấn công thất bại, phía Trung Quốc bắt đầu giảm dần các hoạt động tấn công lấn chiếm biên giới. Từ tháng 3 - 9.1989, Trung Quốc lần lượt rút quân khỏi các vị trí chiếm đóng còn lại trên lãnh thổ Việt Nam.

THANH HOA