Một số sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế túi nilon
Môi trường - Ngày đăng : 16:43, 10/04/2019
Ngày nay ô nhiễm môi trường từ túi nilon, ống hút, bát đĩa nhựa… không còn là vấn đề của riêng của quốc gia nào mà là vấn nạn toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, nhiều sáng kiến sản xuất túi, ống hút, bát đĩa bằng những chất liệu thân thiện với môi trường đã ra đời.
Loại dần túi nilon ra khỏi cuộc sống hằng ngày
Sự ra đời của các sản phẩm từ nilon đã mang lại nhiều mặt tích cực cho đời sống con người, nhưng việc sử dụng túi nilon hàng ngày lại đang âm thầm tàn phá Trái đất của chúng ta.
Túi nilon là một vật dụng vô cùng quen thuộc, thậm chí không thể thiếu trong hầu hết các gia đình. Từ đựng đồ, đi chợ mua rau, mua thịt, cho tới đựng rác... Chính vì sự tiện lợi ấy, rất nhiều người dù biết tác hại của túi nilon đến môi trường nhưng vẫn phải sử dụng.
Túi nilon nhìn chung có 2 loại: loại thứ nhất được sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại nhựa này không gây độc hại cho con người. Loại thứ hai (là loại đang dùng phổ biến) chính là túi nilon tái chế từ nhiều sản phẩm nhựa đã qua sử dụng. Trong đó, thậm chí có cả hộp thùng sơn, lọ tẩy bồn cầu… Trong quá trình tái chế, việc nhiễm phải các kim loại nặng như cadimi, chì… là không tránh khỏi. Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách thương mại Mỹ, khi thực phẩm được lưu trữ trong túi nilon hay hộp nhựa tái chế, các hóa chất từ túi có thể ngấm vào thức ăn, sau đó hấp thụ vào cơ thể. Theo thời gian, các hóa chất trong túi nilon sẽ làm thay đổi mô, lỗi nhiễm sắc thể gây sảy thai, dị tật bẩm sinh, dậy thì sớm và những thay đổi nội tiết tố...
Và tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon chính là rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Khi chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo hãy nghĩ đến sức khỏe của bản thân chúng ta và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường bằng cách tập thói quen loại dần túi nilon ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Thay vào đó, chúng ta có nhiều sự lựa chọn khác thân thiện hơn.
Một số sản phẩm thân thiện với môi trường
- Giấy nến hay còn gọi là giấy sáp được thiết kế để giữ thực phẩm tươi lâu hơn. Không chỉ chống thấm nước và chống dính, giấy nến giúp thực phẩm không bị nhiễm mùi của nhau. Các loại thực phẩm giàu vi sinh như phô mai, xúc xích, thịt ngội… nếu được gói vào giấy nến sẽ giúp tăng độ ẩm và tươi ngon hơn.
- Túi giấy, hộp giấy là sản phẩm thân thiện với môi trường, ít độc hại nên ngày càng được ưa chuộng trong lĩnh vực đóng gói, bảo quản thực phẩm. Người ta thường sử dụng túi, hộp giấy để chứa thức ăn (bánh mỳ, đồ ăn nhanh), đồ uống (sữa, nước trái cây) và các loại rau củ vì chúng không chứa các nguyên tố hóa học độc hại như túi nilon.
Đặc biệt túi giấy với thiết kế đẹp được người tiêu dùng sử dụng lại nhiều lần và giấy sau khi sử dụng có thể tái chế.
- Túi vải là loại túi có nhiều tiện ích, mẫu mã đẹp, rất chắc chắn và sử dụng được nhiều lần.
- Hộp bằng thủy tinh và sứ có hình thức bên ngoài đẹp, nhiều kiểu dáng. Đặc biệt các loại hộp bằng thủy tinh có rất nhiều công dụng, nếu là loại chịu nhiệt còn có thể sử dụng trong lò vi sóng, lò nướng.
Bên cạnh đó có loại hộp bảo quản thực phẩm bằng tritan đã được đưa ra thị trường trong thời gian gần đây, có nhiều ưu điểm so với các chất liệu trên. Đó là nhẹ, không bám mùi, ít bị trầy xước, có thể luộc trong nước sôi để thanh trùng.
- Túi nilon có nguồn gốc thực vật như khoai mì, bột bắp, đay... Đây là những vật liệu được coi là giải pháp thân thiện với môi trường nhất thay thế cho túi bằng nilon và đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh (túi làm bằng bột sắn), Italy (túi làm từ cám bắp), ở Pháp có những loại túi sinh học (biobag) mà khi dùng xong, trộn với một số rác thực vật khác, ủ lại có thể tự hủy trong vòng 2-3 tháng.
Tại Ấn Độ có túi nilon làm từ khoai tây, tinh bột sắn. Đặc biệt, loại túi nilon này không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, ngay cả mực in trên túi cũng được chọn từ nguyên liệu hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh đó, người Ấn Độ còn tạo ra thìa nhựa dùng một lần làm bằng cao lương trộn với gạo, lúa mỳ.
Tại Indonesia, đã có những chiếc túi làm từ sắn, dầu thực vật và nhựa hữu cơ. Loại túi này có khả năng tự phân huỷ trong thời gian vài tháng trên cả đất liền lẫn trên biển, hoặc phân hủy ngay lập tức trong nước nóng.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã nghiên cứu thành công một loại túi nilon tự hủy làm bằng bột sắn và nhựa sinh học. Ưu điểm nổi trội của loại túi này là sau khi phân hủy ra đất, vẫn có thể trồng cây tại chính khu vực này.
- Chai nhựa tự phân hủylà ý tưởng độc đáo từ một người Ailen. Chai được làm bằng một loại thạch dẻo, nguồn gốc từ tảo. Thạch dẻo được pha với nước sau đó đóng khuôn giống hình cái chai và làm lạnh. Chai giữ được hình dạng nhờ chứa chất lỏng bên trong. Khi uống hết nước, chai dần teo lại, khi vứt đi có khả năng phân hủy. Chiếc bình này thậm chí còn ăn được.
- Bao bì từ rong biển là loại bao bì thực phẩm có khả năng phân hủy do một công ty khởi nghiệp của Indonesia làm ra. Loại bao bì này có thể thay thế cho cốc đựng thực phẩm ăn liền, làm túi đựng cà phê hòa tan, túi đựng gia vị trong mỳ ăn liền, vỏ bánh hamburger…
- Bao bì từ lá cây: một nhóm start-up tại Đức đã sáng tạo ra những chiếc đĩa ép từ lá cây. Đĩa mỏng, nhẹ như các loại đĩa dùng một lần, chịu được nhiệt và có khả năng phân hủy nhanh. Một công ty khác gồm các sinh viên ngành thực phẩm đã tạo ra ống hút ăn được từ phụ phẩm là bã táo. Những chiếc ống hút có khả năng phân hủy sinh học này dự kiến sẽ thay thế đến 50% lượng ống hút sử dụng tại Đức.
Ấn Độ cũng có các sản phẩm bát, cốc, đĩa dùng một lần ép từ bẹ cau, bẹ chuối.
Tại Việt Nam, hiện các loại ống hút làm từ tre cũng đang được nhiều người biết đến và sử dụng, đặc biệt là giới trẻ. Ống hút tre có thể tái sử dụng nhiều lần…
Theo TTXVN