Khủng hoảng chính trị có trở thành “Mùa xuân Arab” ở Sudan?

Thế giới - Ngày đăng : 10:36, 15/04/2019

Tình hình Sudan đang diễn biến vô cùng phức tạp sau khi Tổng thống Omar Al-Bashir bị quân đội bắt giữ ngày 11.4.2019.

Giới phân tích lo ngại hậu quả của khủng hoảng chính trị tại Sudan sẽ rất thảm khốc đối với châu Phi cũng như nền hòa bình thế giới.


Tổng thống Omar Al-Bashir bị quân đội bắt giữ ngày 11.4

Diễn biến căng thẳng và phức tạp

Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf ngày 11.4 đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp và Tham mưu trưởng quân đội  Tướng Kamal Abdelmarouf được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch hội đồng này. Trước đó, quân đội Sudan thông báo áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng sau khi bắt giữ Tổng thống Omar Al-Bashir. Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố một hội đồng quân sự sẽ điều hành đất trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 2 năm trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22h00' đến 4h00' (giờ địa phương). Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình.

Giới phân tích cảnh báo rằng Sudan có thể rơi vào tình trạng vô chính phủ nếu cuộc khủng hoảng chính trị này không được giải quyết một cách hòa bình và các phe phái đối địch trong giới an ninh xung đột để tranh giành quyền lực.

Vốn là một trong các quốc gia lớn nhất và có tầm quan trọng chiến lược nhất châu Phi, Sudan đã bị tê liệt bởi các cuộc biểu tình trong nhiều tháng qua nhằm phản đối sự cầm quyền kéo dài 30 năm của ông Bashir. Ông Bashir trở thành Tổng thống Sudan sau cuộc đảo chính năm 1989 và là một trong những tổng thống nắm quyền lâu nhất ở châu Phi.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau khi các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19-12-2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Tổng thống Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử. Kể từ ngày 6-4-2019, hàng nghìn người đã tập trung tại các giao lộ ở trung tâm thủ đô Khartoum, kêu gọi ông Bashir từ chức. Cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và khiến hơn 150 người bị thương.

Trước những diễn biến phức tạp tại Sudan hiện nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Sudan chuyển giao chính quyền một cách dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ họp vào ngày 12-4-2019 để thảo luận tình hình ở Sudan. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã chỉ trích động thái của quân đội Sudan, gọi đây là cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và bình tĩnh. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki khẳng định việc quân đội tiếp quản chính quyền không phải là cách phản ứng phù hợp với những thách thức mà Sudan đang đối mặt cũng như với nguyện vọng của người dân. Hội đồng Hòa bình và An ninh AU sẽ nhanh chóng họp để xem xét tình hình và đưa ra các quyết định phù hợp. Ông Faki cũng đề nghị sớm tổ chức một cuộc đối thoại toàn diện để tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của người dân Sudan về dân chủ và khôi phục trật tự Hiến pháp.

“Giọt nước tràn ly”

Cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Sudan được các nhà quan sát cho là bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế mà người dân nước này đã phải vật lộn trong 20 năm qua và đến nay vẫn chưa thể vượt qua.

Sudan bắt đầu quá trình đô thị hóa vào năm 1956, sau khi giành được độc lập. Mô hình quốc gia cũng thay đổi kể từ đó. Người dân bỏ hoang những vùng đất nông nghiệp rộng lớn để dịch chuyển tới thành phố, và hệ quả là quốc gia này trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Bên cạnh đó, số lượng gia súc chăn nuôi lại cao hơn mức mà môi trường và khí hậu cho phép, càng khiến cho tình trạng mất cân bằng nông nghiệp của Sudan trở nên trầm trọng.

Trong giai đoạn này, Sudan có hai nguồn thu ngoại tệ chủ yếu: Một đến từ dòng kiều hối mà lao động ở nước ngoài tại các quốc gia Arab ở vùng Vịnh và Libya gửi về; hai là doanh thu từ dầu mỏ tại Nam Sudan. Tuy nhiên, tình hình hỗn loạn nổ ra tại Libya sau "Mùa xuân Arab" và việc Saudi Arabia áp dụng chính sách “Saudi hóa” và đánh thuế cao hơn với lao động nước ngoài nhằm ưu tiên tạo việc làm cho lao động trong nước đã khiến người lao động Sudan phải trở về nước. Thêm vào đó, nguồn thu ngoại tệ thứ hai từ dầu mỏ cũng cạn kiệt dần sau khi Nam Sudan tách khỏi Sudan năm 2011. Sudan lâm vào những khó khăn kinh tế nghiêm trọng khi mất tới 75% nguồn doanh thu từ dầu mỏ.

Trong 3 tháng gần đây, việc thiếu hụt ngoại tệ và khan hiếm tiền mặt, giá cả lương thực leo thang và đặc biệt là giá bánh mỳ tăng gấp ba lần đã vượt quá giới hạn chịu đựng của người dân Sudan, hủy hoại hy vọng của người dân và hệ quả là những bất bình trong xã hội xuất hiện.

Câu hỏi hiện nay mà nhiều người đặt ra là liệu sẽ lại có một “Mùa xuân Arab” khác tại Sudan hay không? Trên thực tế, “Mùa xuân Arab” từng cận kề Sudan năm 2013, khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu khiến khoảng 200 người thiệt mạng. Cuộc biểu tình sau đó được Tổng thống Bashir ngăn chặn và dập tắt. Phong trào Đối thoại quốc gia bắt đầu tại Sudan năm 2014 và kết thúc vào năm 2017, với việc phe đối lập ở nước này có một vai trò lớn hơn. Tiến trình này củng cố những hy vọng mới tại Sudan. Người dân nước này hy vọng chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ giải quyết được những vấn đề cốt lõi, song điều đó đã không diễn ra.

Giới phân tích chỉ ra hai kịch bản có thể xảy ra cho tương lai của Sudan trong tình hình này. Kịch bản đầu tiên là ông Bashir có thể đưa ra nhượng bộ với hy vọng duy trì quyền lực nào đó, có thể là vị trí mang tính nghi thức và cam kết không tham gia vào cuộc bầu cử năm 2020. Tuy nhiên, điều này không thể làm hài lòng những người biểu tình và sẽ cần sự ủng hộ của cả quân đội và đảng Đại hội Dân tộc cầm quyền. Kịch bản thứ hai được coi là “cơn ác mộng” đó là chính phủ sụp đổ và đất nước rơi vào hỗn loạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng sự sụp đổ của trật tự và luật pháp nếu xảy ra là do sự thù địch giữa các phe phái khác nhau trong giới an ninh, chứ không phải do các hành động của người biểu tình. Lực lượng dân quân, binh sĩ, cảnh sát và những người trung thành với các thủ lĩnh và chính khách có thể xung đột để tranh giành quyền lực trên các đường phố lớn, trong khi các khu vực hẻo lánh sẽ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ trung ương. Hậu quả do tình trạng hỗn loạn đó gây ra với khu vực châu Phi nói riêng cũng như với châu Âu và Trung Đông nói chung sẽ rất thảm khốc.

Theo TTXVN