Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó
Kinh tế - Ngày đăng : 09:54, 18/04/2019
Lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi tại các đại lý giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái
Sản xuất cầm chừng
Sản xuất cầm chừng, phải cắt giảm lao động… là tình trạng chung của những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện nay. Anh Đào Văn Bắc, Giám đốc Công ty CP PP Sun Việt Nam ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) cho biết: “Nếu trước đây, mỗi tháng chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi thì nay chỉ còn từ 1.400-1.600 tấn/tháng. Mặc dù công ty đã hạ giá bán từ 5.000-10.000 đồng/bao để kích cầu nhưng vẫn không khả quan hơn. Do đó, công ty phải sản xuất cầm chừng, bán đến đâu sản xuất đến đó để tránh tồn kho”.
Công ty CP Sản xuất và thương mại Đại An Tín ở cụm công nghiệp An Đồng - An Lâm (Nam Sách) đang phải chật vật duy trì sản xuất để đợi “cơn bão” DTLCP qua đi. Trước đây, mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 300 - 400 tấn thức ăn chăn nuôi gia súc, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động. Hiện mỗi tháng công ty chỉ bán được khoảng 100 tấn và phải cắt giảm 10 lao động.
Bệnh DTLCP bùng phát trên diện rộng với những diễn biến phức tạp khiến nhiều hộ nuôi lợn không dám tái đàn. Ngoài ra, do giá lợn vừa nhích lên lại giảm từ 4.000-6.000 đồng/kg so với đầu tháng 4, chỉ còn trên 30.000 đồng/kg nên người chăn nuôi thêm lo lắng. Ông Nguyễn Xuân Chuyển ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) cho biết: “Dù đang là thời điểm tái đàn, nhưng gia đình tôi chỉ nuôi cầm chừng, trong chuồng có bao nhiêu con thì giữ lại nuôi bấy nhiêu thôi”.
Khó thu hồi vốn
Theo các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi tại các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Thanh Miện… lượng thức ăn chăn nuôi bán ra đã giảm khoảng 20-30% so với dịp đầu năm. Nhiều trang trại không mua chịu được thức ăn chăn nuôi đành bán đổ, bán tháo dẫn đến cung vượt cầu, giá lợn xuống thấp. Đa phần các đại lý đang trong tình trạng khó thu hồi vốn. Trong khi thức ăn chăn nuôi mua từ các công ty sản xuất phải thanh toán ngay lúc nhận hàng nên nhiều đại lý rơi vào cảnh nợ nần. Để tiếp tục kinh doanh, một số đại lý đành phải khoanh nợ và dừng bán chịu.
Chị Nguyễn Thị Ngát, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi Quyết Ngát ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) cho biết: “Trước đây, dịch tai xanh, lở mồm long móng hay thời điểm giá lợn có giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn là hồi phục nên người chăn nuôi chỉ mua cám nợ từ 2-4 tháng là thanh toán. Từ ngày bệnh DTLCP diễn biến phức tạp cùng với giá lợn giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng, không trả nổi tiền cám. Hiện các hộ chăn nuôi nợ gia đình tôi gần 2 tỷ đồng. Để tiếp tục kinh doanh, tôi phải vay vốn ngân hàng, thậm chí là vay lãi cao bên ngoài để mua hàng và không dám bán chịu nữa”.
Từ lâu, giữa các đại lý thức ăn chăn nuôi và nông dân thường mua bán cám theo kiểu “gối đầu” vốn. Do đó, các đại lý sẽ như một “nhà đầu tư” với số vốn lưu động lớn để có thể cung cấp thức ăn chăn nuôi chịu cho các hộ dân. Chính vì thế, hiện nay nhiều đại lý phải gồng mình gánh các khoản nợ tới vài tỷ đồng, khó thu hồi vốn do người nuôi cũng đang khó khăn.
Đại lý thức ăn chăn nuôi của anh Nguyễn Kiên Cường ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) mỗi tháng bán từ 30-40 tấn thức ăn chăn nuôi cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn vì hơn 50% vốn kinh doanh đang bị các trang trại nuôi lợn nợ chưa thanh toán. “Tiền thức ăn chăn nuôi các trang trại trong vùng nợ tôi đã gần 4 tỷ đồng và chưa biết khi nào họ mới trả được. Do đó, hiện tôi phải dừng bán chịu cho các hộ để khoanh nợ”, anh Cường cho biết.
Với thực trạng hiện nay, ngoài việc các hộ, doanh nghiệp, đại lý phải nỗ lực vượt qua khó khăn, các cấp, các ngành cần sớm có giải pháp hỗ trợ họ, nhất là về vốn vay, hoặc khoanh nợ, giãn nợ...
ĐỖ QUYẾT