Giới trẻ lười đọc sách

Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 19/04/2019

Nhiều phụ huynh phàn nàn trẻ em bây giờ không ham đọc sách, chỉ ham xem ti vi, điện thoại.

Thanh niên cũng thờ ơ, các thư viện, tủ sách ở các làng xã  hiu hắt. Các nhà văn cũng nhiều lần phàn nàn rằng bây giờ số người đọc sách ít lắm.

Trước kia, những năm chiến tranh có cuốn tiểu thuyết in lần đầu 5.000 - 6.000 cuốn, có tập thơ in hàng vạn cuốn. Sách in ra phân phối, mặc dù giấy in bấy giờ rất khan hiếm. Còn bây giờ có nhà văn cỡ tên tuổi mà ra sách thì cũng chỉ in có 500 cuốn.

Còn nhớ thời chiến tranh, mỗi làng đều có một tủ sách. Sách hướng dẫn nông dân trồng lúa, gieo mạ, bón phân. Sách giải thích chính sách hậu phương quân đội và sách tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng… Người ta đọc sách và làm theo sách báo. Người công giáo ở Kẻ Sặt (Bình Giang) có vài trăm cuốn sách, là nơi nhân dân xung quanh đến đọc nhờ. Trong quân đội, có những cuộc hành quân, chàng tân binh vừa đi vừa đọc thuộc lòng cả một chương của tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” hoặc những trang tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” cho đồng đội cùng nghe.

Có người đổ cho xã hội hiện nay có quá nhiều kênh thông tin, như truyền hình, phim ảnh, ca nhạc… nên đã làm loãng đi nhu cầu đọc sách. Rằng tốc độ cuộc sống ngày nay nhanh, sôi động, ngồi nhâm nhi đọc sách không còn phù hợp, họ chuyển sang hình thức khác. Nhưng thực ra, đó chỉ là một cách ngụy biện, bởi đọc sách có lợi thế riêng. Trong các phương tiện để đi tìm kiếm tri thức, đọc sách là phương tiện có ý nghĩa sâu xa, vững bền, không có gì thay thế. Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Thư viện, sẽ khởi động lại vấn đề sách và phong trào đọc sách trong nhân dân. Làm thế nào để giải bài toán về văn hóa đọc? Suy cho cùng, đọc sách còn tùy thuộc ở nhận thức tư duy của con người.

Ở Hải Dương có ông Lê Phương là cựu chiến binh, cán bộ về hưu nay ngoài 70 tuổi, đã có việc làm thật khâm phục. Ông đã dành 10 năm trời tìm đọc các loại sách. Điều đặc biệt là ông Phương đọc và ghi chép, biên soạn thành hơn 100 cuốn sách. Ông cho in thành các tập có những tên riêng. Mỗi cuốn dày 400-500 trang giấy, với nhiều chủ đề: Quê hương, danh nhân, phong vật, biển đảo, chùa chiền... Tính ra pho sách này nặng hàng tạ, xếp chồng lên, cao hơn cả chiều cao của soạn giả.

Hỏi vì sao ông lại bỏ công sức, thời gian, kinh phí làm việc đó? Ông Lê Phương trả lời, trước hết là phải đọc. Đọc và ghi chép mới nhớ lâu được. "Làm việc này, tôi sẽ là một tấm gương cho con cháu, người thân trong gia đình đọc sách. Âu cũng là thú vui", ông Lê Phương nói. Thú vui của ông thật đa dụng. Tri thức được tụ dồn, tích lũy dày thêm. Có lẽ vì thế mà ông Lê Phương có trí nhớ rất tốt. Những lúc trò chuyện với bạn bè, ông kể vanh vách những tên đất, tên làng, những danh nhân lịch sử với nhiều chi tiết sinh động. Bạn bè rất nể phục ông. 

Nước ta có rất nhiều điển hình về làm kinh tế. Có những nhà doanh nghiệp trẻ tuổi thành danh, trở thành "ông vua" trong những lĩnh vực, chuyên đề. Nhưng chưa thấy những "ông vua" về đọc sách, có sức lan tỏa trong lĩnh vực đọc sách. Làm thế nào để khôi phục được thói quen và niềm đam mê đọc sách giữa cơn bão của các kênh truyền thông đang ào ạt như hiện nay?

LÝ YẾN NAM (TP Hải Dương)