Bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu dừng lại

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:09, 19/04/2019

Theo đồng chí Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại.



Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp tục lan rộng tới nhiều xã trong tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Phóng viên Báo Hải Dương phỏng vấn đồng chí Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về vấn đề này.

- Thời gian qua, công tác phối hợp dập dịch ở các địa phương có thực sự hiệu quả hay không khi dịch vẫn không ngừng lan rộng, thưa đồng chí?

- Ở Hải Dương, bệnh DTLCP được phát hiện đầu tiên ở xã Hiến Thành (Kinh Môn) vào ngày 1.3. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức công tác phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, do chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch này nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều điểm chăn nuôi nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư nên càng khó kiểm soát dịch bệnh. Đến ngày 18.4, bệnh DTLCP đã lan rộng và diễn biến phức tạp ở 180 xã trong tỉnh. Lực lượng chức năng buộc phải tiêu hủy hơn 38.000 con với tổng trọng lượng tiêu hủy khoảng 2.450 tấn.

Hiện nay, công tác phòng chống bệnh DTLCP được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt; các ban ngành, đoàn thể và các địa phương cũng rất quan tâm xử lý dịch bệnh. Thường trực Tỉnh ủy đã đi kiểm tra, đôn đốc và nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo công tác phòng chống dịch; yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, thực hiện theo đúng quy trình, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu để phòng chống nhưng không quay lưng với thịt lợn không nhiễm bệnh. Tỉnh đã cấp 7,7 tỷ đồng cho Chi cục Thú y mua sắm hóa chất, vật tư, thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Từ cấp tỉnh đến xã đều đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; đội phản ứng nhanh trong công tác phòng chống dịch bệnh...

- Cần thực hiện các biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh này trong thời gian tới?

- Hiện bệnh DTLCP vẫn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Để khống chế dịch bệnh, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm các biện pháp, đặc biệt là quản lý chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn. Đối với các đàn lợn nghi mắc bệnh, cần lấy mẫu kiểm tra và tổ chức tiêu hủy trong vòng 24 giờ sau khi có kết quả dương tính. Đối với địa bàn xã đã có ổ dịch bệnh xảy ra chưa qua 30 ngày, cần thực hiện tiêu hủy lợn có triệu chứng và bệnh tích điển hình của bệnh DTLCP mà không nhất thiết phải lấy mẫu xét nghiệm hoặc không chờ kết quả xét nghiệm. Tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; đồng thời thiết lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn, các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, từ vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát vào vùng dịch. Kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát tại cơ sở, điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương theo hướng dẫn của ngành thú y.

Các hộ dân cần thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, thực hiện kiểm soát các yếu tố làm lây lan và phát sinh bệnh DTLCP. Khai báo dịch bệnh động vật khi xuất hiện lợn ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân. Đồng thời, không tái đàn lợn trong vùng chưa qua 30 ngày có ổ dịch cuối cùng xảy ra. Khi chăn nuôi trở lại, phải nhập giống từ cơ sở chăn nuôi an toàn và có kiểm dịch nguồn gốc rõ ràng.

- Xin cảm ơn đồng chí!

TRẦN HIỀN(thực hiện)