Khách quan như nhà thơ Chế Lan Viên

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:47, 21/04/2019

Lâu nay, Chế Lan Viên nổi tiếng là một nhà thơ sâu sắc và uyên bác.

Lâu nay, Chế Lan Viên nổi tiếng là một nhà thơ sâu sắc và uyên bác. Sự nghiệp thơ của ông rất đồ sộ với cả nghìn bài thơ. Các tập thơ của ông như Điêu tàn, Gửi các anh, Ánh sáng và phù sa, Hoa ngày thường - chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới… đã để lại dấu ấn dài lâu trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Ông không chỉ làm thơ mà còn viết nghiên cứu, phê bình với bút danh Chàng Văn và cũng rất thành công. Năm 1996, ông đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1. Không chỉ có thế, Chế Lan Viên còn nổi tiếng là một người khách quan trong làng văn, làng thơ.

Sinh thời, nhà nghiên cứu phê bình mỹ học Triều Dương có lần kể: “Trước khi cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 kết thúc ít tháng, có một lần tôi bất ngờ gặp Chế Lan Viên đi vào cửa số nhà 17 Trần Quốc Toản trên tay cầm một tập bản thảo thơ Phạm Tiến Duật. Rồi ông vừa đi vừa nói với đồng nghiệp bằng một giọng rất quả quyết: “Chúng ta chẳng phải tìm kiếm và chờ đợi gì nữa. Giải nhất cuộc thi đây chứ đâu!”. Sau đó, quả nhiên nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất với chùm thơ Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiểu đội xe không kính.

Trong cuốn Chế Lan Viên - người làm vườn thế kỷ, ở bài Hai câu chuyện về Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Thành Long viết: “Câu chuyện thứ hai thuộc về văn học, sự lựa chọn một trong hai tác phẩm về thơ của Thanh Thảo và Huy Cận (giải thưởng thơ thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979). Chế Lan Viên ở TP Hồ Chí Minh mới ra, hôm trước đã xạc tôi một trận không đúng phép cho lắm: Huy Cận dạy Thanh Thảo chứ Thanh Thảo dạy Huy Cận à? Vấn đề này hôm sau chuyển vào cuộc họp. Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói suốt buổi, Thanh Thảo có cơ mất giải thưởng. Đến phút quyết định, Chế Lan Viên cầm tập thơ của Thanh Thảo (Dấu chân qua trảng cỏ) đứng lên và nói: Hãy khoan, những câu thơ như những câu này, Huy Cận không viết được thật, anh Xuân Diệu ạ. Xuân Diệu đang phản bác hăng hái, bỗng trở nên hiền lành hẳn. Xuân Diệu nói: “Mà tôi không hiểu sao cái cậu Thanh Thảo ấy làm được những câu thơ như thế”.

Nhờ sự khách quan của Chế Lan Viên, năm ấy Thanh Thảo đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.

NGUYỄN VIẾT(st)