Giá điện lũy kế tăng gần 75%?

Kinh tế - Ngày đăng : 16:44, 27/04/2019

Theo Bộ Công thương, mức giá điện mới từ ngày 20.3 chỉ tăng 8,36%. Thế nhưng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ dân lại có mức tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với các tháng trước.

Giá điện tăng giữa các bậc khá cao. Ảnh: Đ.N.T

Kể cả thêm các lý do nắng nóng, nhu cầu sử dụng máy lạnh, quạt nhiều thì mức tăng đột biến này vẫn đang khiến người ta đặt câu hỏi, giá điện thực chất tăng bao nhiêu?

Giá điện không chỉ tăng 8,36%

Thực tế, mức tăng 8,36% là tỷ lệ bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kwh (giá bình quân cũ) lên 1.864,44 đồng/kwh (giá bình quân mới), mức này nhỉnh hơn mức thấp nhất chỉ 0,03%. Theo cách tính mức giá tăng giữa cũ và mới của EVN, giá điện sau ngày 20.3 chỉ tăng từ 8,33 - 8,4% là cao nhất. Trong khi thực chất, với việc phân chia ra 6 bậc để tính giá điện, giá điện tăng giữa bậc này với bậc kế tiếp lại không thấp chút nào. Theo đó, càng dùng nhiều điện, giá điện càng cao đến khó tin.

Cụ thể, với giá điện tăng được chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng từ kwh 0-50 kwh, từ 51-100 kwh, từ 101-200 kwh, từ 201-300 kwh, từ 301-400 kwh và từ 401 kwh trở lên. Theo đó, mức giá lần lượt sẽ được tính là 1.678 đồng/kwh, 1.734 đồng/kwh, 2.014 đồng/kwh, 2.536 đồng/kwh, 2.834 đồng/kwh, 2.927 đồng/kwh và 2.461 đồng/kwh. Trong đó, giá điện từ bậc 2 lên bậc 3 cao hơn đến 16,15%, giá điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng gần 25,92%, từ bậc 4 lên bậc 5 tăng 11,75%....

Giá bán lẻ điện sinh hoạt (áp dụng từ ngày 20.3.2019):

Giá điện lũy kế tăng gần 75%? - ảnh 2

Theo quy định của EVN, với trường hợp thời hạn nhà cho thuê dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai đầy đủ số người sử dụng điện thì công ty áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 là 2.014 đồng.

Có thể thấy, mức tăng giá 8,36% sẽ không quá lớn theo lập luận của Bộ Công thương. Song, mức tăng chênh lệch giữa các bậc rất hiếm được nhà phát điện và cơ quan quản lý đề cập mới là vấn đề đáng bàn. 

Cách tính bậc giá "khôn ngoan"

Một chuyên gia trong ngành điện khu vực miền Trung thừa nhận ngành điện vốn đã không rõ ràng khi tính giá thành điện, bằng việc cộng các chi phí khác, chi phí hợp lệ theo quy định hiện hành... bên cạnh đó, lại còn có tham vọng giữ kín bí mật giá điện khiến dư luận càng bất bình hơn. Vị này tính toán, hộ dùng 200 kwh mỗi tháng chỉ là hộ có thu nhập rất thấp, chủ yếu giới ở trọ, chỉ dùng một quạt, không dùng điều hòa, máy giặt... Còn đa số dùng ở mức 4 trở lên, tỷ tệ giá chênh lệch giữa hai bậc 4 và 5 cũng khá cao.

"Trong ngành điện, gia đình nào xài dưới 50 kwh nhận được giấy khen, được mời đến ăn một bữa hoặc phong bì vài chục nghìn gì đó. Coi như tri ân khách hàng tiết kiệm điện, nhưng cũng là cách tri ân người nghèo", vị này thông tin.

Chuyên gia về giá cả Ngô Trí Long khẳng định với cách tính giá chia thành bậc và tỷ lệ chênh lệch giữa các bậc lại khác nhau, tập trung tăng cao nhất ở mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân rõ ràng là có sự tính toán "khôn ngoan" của ngành.

"Khôn ngoan trong kinh doanh là điều cần thiết. Ai "khôn" hơn có thể là người thành công hơn là lẽ dĩ nhiên. Tuy nhiên, yếu tố "khôn ngoan" ở đây rất không công bằng. Bởi nó được dung dưỡng từ một cơ chế được độc quyền, được nuông chiều của Nhà nước. Tính tới tính lui, người tiêu dùng vẫn thiệt", luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc hãng luật IAM nêu ý kiến.

NGUYÊN NGA (Thanh niên)