Kiểm định phương tiện đo lường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:18, 29/04/2019
Kiểm định các phương tiện đo lường đã hạn chế tình trạng móc túi người tiêu dùng
Thời gian qua, việc kiểm định các phương tiện đo lường trong kinh doanh dịch vụ taxi, xăng dầu, điện, nước… đã được các cơ quan chức năng triển khai thường xuyên hơn. Qua đó nâng cao tính chính xác của các phương tiện đo, góp phần bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Nâng cao tính chính xác
Toàn tỉnh hiện có khoảng 12 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi với trên 1.200 xe. Hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về đo lường. Để tăng cường quản lý về đo lường taximet, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và thông tin khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã kiểm định 93 đồng hồ taximet của các hãng taxi Mai Linh và Thành Đông. Qua kiểm tra, tất cả các đồng hồ đều đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định. Sau khi kiểm định, trung tâm đã dán tem, kẹp chì trên đồng hồ taximet để tránh sự can thiệp từ bên ngoài, phần nào hạn chế những sai số trong quá trình tính quãng đường và phí dịch vụ taxi.
Ngoài taximet, cột đo xăng dầu cũng được các cơ sở kinh doanh chủ động kiểm định định kỳ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 230 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đây là mặt hàng thiết yếu, doanh thu cao, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ bị can thiệp để gian lận trong kinh doanh. Do đó, việc kiểm định được triển khai hằng năm nhằm kiểm tra kẹp chì, dấu niêm phong, giấy chứng nhận kiểm định. Năm 2018, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã phối hợp với Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ thanh tra 24 cơ sở kinh doanh xăng dầu trong tỉnh. Các cơ sở đều bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật đo lường.
Ông Trần Hoài Văn, Phó Giám đốc Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và thông tin khoa học cho biết: Năm 2018, trung tâm đã tiến hành kiểm định 37.620 phương tiện đo. Trong đó, một số phương tiện đo được kiểm định nhiều hơn so với năm 2017 như 33.975 công tơ điện (tăng 823 chiếc), 1.106 cân các loại (tăng 157 chiếc), 1.104 cột đo xăng dầu (tăng 295 cột).... Tổ chức kiểm tra về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa tại 36 cơ sở kinh doanh vàng bạc trong tỉnh. Qua đó phát hiện 9 cơ sở sử dụng cân trong mua bán vàng, trang sức, mỹ nghệ chưa đúng quy định, 19 cơ sở thiếu hồ sơ chất lượng. Tiếp nhận xử lý 20 đơn đề nghị giải quyết tranh chấp về phương tiện đo.
Tạo sự an tâm cho khách hàng
Ngoài kiềm chế gian lận thương mại, việc kiểm định các phương tiện đo lường còn góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quốc Định, Phó Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ Hương Nguyên cho biết: “Kiểm định taximet định kỳ không chỉ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh taxi. Hằng năm, doanh nghiệp đã chủ động làm thủ tục kiểm định phương tiện đo cho các xe taxi. Trên mỗi xe taxi, chúng tôi còn niêm yết số điện thoại đường dây nóng, bảng giá cước để khách hàng liên hệ trong trường hợp thắc mắc về cước. Bằng việc làm này, chúng tôi đã tạo được sự tin tưởng của khách hàng thông qua những phản hồi tích cực”.
Đầu năm 2019, Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã cấp 12 bộ cân đối chứng cho 12 huyện, thành phố để làm cơ sở pháp lý phục vụ kiểm tra chống gian lận trong đo lường, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trước đó, Trung tâm Đo lường, thử nghiệm và thông tin khoa học đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kiểm định và cấp chứng chỉ kiểm định 300 chiếc cân các loại cho các hộ kinh doanh tại chợ Hải Tân (TP Hải Dương) và chợ Ghẽ (Cẩm Giàng). Đây là đợt kiểm định định kỳ hằng năm.
Ngoài việc kiểm định, các cơ quan chức năng còn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh ký kết hợp đồng mua bán với các bên liên quan, bổ sung các nội dung cam kết khi có tranh chấp về đo lường, chất lượng, thời gian lưu mẫu... theo quy định.
ĐỖ QUYẾT