Nhớ thời "hũ gạo nuôi quân"
Xã hội - Ngày đăng : 20:54, 30/04/2019
Hũ gạo của bà Trịnh Thị Bé vẫn được lưu giữ tại phòng truyền thống của Hội Phụ nữ tỉnh
Đó là nắm gạo sẻ chia, chung sức vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bớt phần ăn
"Đây đúng là hũ gạo của tôi rồi", tiếng reo vui của cụ Trịnh Thị Bé ở thôn Tam Tương, xã Hồng Thái (Ninh Giang) khi được tôi cho xem bức ảnh chụp hũ gạo nuôi quân của cụ cách đây hơn 50 năm. Nhìn thấy hũ gạo, ký ức những ngày gian khó lại hiện về trong tâm trí cụ Bé, dù nay cụ đã 103 tuổi.
Năm 1944-1945, khi cái đói đeo đẳng từng người dân, gia đình cụ Bé cũng không ngoại lệ, chồng và 2 người con của cụ không qua nổi. Chồng mất khi tuổi đời còn trẻ, gạt đau thương, cụ Bé tần tảo nuôi 2 con khôn lớn. Không chỉ đảm đương việc nhà, cụ còn là một trong những cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở năng nổ, nhiệt tình. Ngôi nhà của mẹ con cụ còn là nơi nuôi cán bộ về làng. Cảnh nhà đói khổ nhưng lúc nào cụ Bé cũng cố gắng lo bữa cơm đầy đủ cho cán bộ lấy sức làm cách mạng.
Dù khó khăn, nhà neo người, nhưng cụ Bé vẫn động viên người con trai duy nhất lên đường nhập ngũ. Người con trai ra trận cũng là lúc cụ chuyển sang hoạt động trong Hội Mẹ chiến sĩ xã Hồng Thái. Những năm 60 của thế kỷ trước, cả đất nước đang gồng mình trong kháng chiến chống Mỹ, những người mẹ, người chị ở hậu phương ra sức thi đua sản xuất nông nghiệp. Từng trải qua những ngày đói khổ, lại có con ra trận nên khi phong trào "hũ gạo nuôi quân" hay "hũ gạo tiết kiệm" được phát động rộng rãi, cụ Bé cùng nhiều chị em khác trong xã tích cực hưởng ứng. "Năm 1960, tôi được người cháu tặng cho chiếc hũ bằng sành màu nâu đất rất đẹp. Thấy chiếc hũ tròn xinh nên tôi quyết định để làm hũ đựng gạo tiết kiệm. Cuộc sống thiếu thốn, mỗi bữa dù gạo ăn không nhiều nhưng ai cũng cố gắng bớt lại một nắm bỏ vào hũ", cụ Bé xúc động kể.
Ngày đó, cụ Bé đến từng nhà hội viên Hội Mẹ chiến sĩ, vận động các bà, các mẹ cùng tham gia, chỉ cần bớt một phần ăn nhỏ trong mỗi bữa, sẽ giúp được nhiều người khác. Phong trào ngày càng nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của hội viên, mà còn của nhiều gia đình khác trong xã. Cứ đến cuối tháng hoặc khi hũ gạo đầy, Hội Mẹ chiến sĩ sẽ tới từng gia đình thu gom gạo. Toàn bộ số gạo này dành để nấu cơm cho bộ đội khi về đóng quân tại địa phương. "Khi về làm con dâu, tôi còn trẻ. Thấy cảnh nhà khó khăn, tôi băn khoăn vì sao mẹ chồng lại tiết kiệm gạo cho người khác. Được mẹ phân tích, rồi hằng ngày thấy mẹ chồng vẫn chắt chiu từng nắm gạo nhỏ, lại có chồng đi chiến đấu xa nên tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa việc làm của mẹ. Vì thế, từ năm 1960-1968, hai mẹ con tôi vẫn thường xuyên tiết kiệm từng nắm gạo", bà Trịnh Thị Quýt, 78 tuổi, con dâu của cụ Bé cho biết.
Ý nghĩa lớn
Hiện tại, phòng truyền thống của Hội Phụ nữ tỉnh còn lưu giữ 4 "hũ gạo nuôi quân", "hũ gạo tiết kiệm" của các bà, các mẹ tích cực tham gia phong trào tiết kiệm gạo.
"Hũ gạo tiết kiệm" của cụ Vũ Thị Suốt, nguyên cán bộ Trạm Y tế xã Nam Tân (Nam Sách) được trưng bày trang trọng tại phòng truyền thống. Hũ gạo hình trụ, màu vàng, được gia đình cụ Suốt sử dụng từ năm 1956. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên tòng quân ra trận, khao khát giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Để có đủ lương thực, thực phẩm vận chuyển cho bộ đội, các cấp Hội Phụ nữ khi đó đã vận động các chi hội, tổ hội thực hiện "hũ gạo nuôi quân". Hưởng ứng phong trào này, cụ Suốt sử dụng chiếc hũ sành của gia đình để đựng gạo tiết kiệm. Số gạo tiết kiệm được gia đình cụ Suốt chuyển lại cho người có trách nhiệm tới gom gạo mang về tập kết tại xã. Gạo nhiều sẽ được chuyển tới các đơn vị bộ đội.
Theo tài liệu của phòng truyền thống về "hũ gạo nuôi quân" của cụ Nguyễn Thị Thế, nguyên cán bộ Hội Phụ nữ xã An Bình (Nam Sách) thì đây là của hồi môn của cụ. Năm 1957, khi ra ở riêng, vợ chồng cụ Thế được bố mẹ chồng cho chiếc hũ bằng sành màu nâu đất để đựng đồ trong gia đình. Năm 1968, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Phụ nữ, cụ Thế đã mang chiếc hũ sành này làm "hũ gạo nuôi quân" trong 5 năm (1968-1972). Mỗi lần nấu cơm, cụ Thế bớt lại một nắm nhỏ cho vào hũ, vì hũ nhỏ nên chỉ khoảng 10 ngày đã đầy gạo.
Theo lịch sử truyền thống cách mạng phụ nữ Hải Dương giai đoạn 1930-1975, phong trào "hũ gạo nuôi quân", "hũ gạo tiết kiệm" được các phụ nữ nông thôn hưởng ứng rất tích cực. Cuối năm 1964, Hải Dương có 17.920 hũ gạo, đến tháng 12.1965 đã có 49.210 hũ gạo. Mỗi đợt đổ hũ cũng được khoảng 40 tấn gạo.
Hình ảnh "hũ gạo nuôi quân" khi đất nước còn nhiều khó khăn đã gói ghém tình đoàn kết, chung sức đồng lòng để đánh thắng kẻ thù xâm lược.
TÂM PHÚC