"Hồ Đại tướng" tắm mát ruộng đồng Mường Phăng
Chính trị - Ngày đăng : 09:33, 02/05/2019
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại những chiến sĩ của mình đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được tổ chức tại Hà Nội ngày 13.3.2004
Được thi công xây dựng cuối năm 2010 và đưa vào sử dụng ngày 7.5.2013 - đúng dịp kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), hồ chứa nước Loọng Luông (bản Loọng Luông 1, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong những công trình mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng cho Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn xã Mường Phăng.
Công trình gắn với tên tuổi, tình cảm của Đại tướng nên người dân xã Mường Phăng vẫn thường gọi hồ Noọng Luông bằng cái tên thân thương, trìu mến: “hồ Đại tướng”, "hồ Bác Giáp". Qua 6 năm đưa vào sử dụng, hồ Đại tướng đã khẳng định vai trò, giá trị hữu ích khi cung cấp nước tưới, tắm mát ruộng đồng cho hàng trăm héc-ta ruộng đồng trải dài dọc thung lũng. Nhiều diện tích cây ăn quả, ao nuôi cá cũng lấy nguồn nước từ Hồ Loọng Luông. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày một ấm no hơn. Diện mạo nông thôn ở vùng khó đã phát triển, ngày càng khởi sắc.
Theo Phó Chủ tịch HĐND xã Mường Phăng Lò Văn Hợp, nhiều năm trước đây, người dân xã Mường Phăng, nhất là người dân các bản phía dưới hạ nguồn của suối Loọng Luông và Loọng Nghịu rất khó khăn do thiếu nguồn nước sản xuất. Năm 2004 - nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Mường Phăng thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (cơ quan đầu não của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xây dựng trong đại ngàn rừng Mường Phăng, dưới chân núi Pú Đồn) và thăm lại bà con cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Chứng kiến cuộc sống khó khăn do khan hiếm nước sản xuất của người dân nơi vùng đất cách mạng, nơi gắn bó với một phần cuộc đời mình, Đại tướng thấy không vui. Dịp đó, Đại tướng đã ân cần nhắc nhở, chỉ bảo lãnh đạo địa phương cần nhanh chóng, nghiên cứu xây dựng một công trình thủy lợi để sớm giúp bà con thoát khỏi trình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2008, Đảng bộ, chính quyền xã Mường Phăng có văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đề nghị phê duyệt dự án; đồng thời gửi tâm thư bày tỏ tâm nguyện mong được Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp ý, ủng hộ.
Nhận được thư từ Đảng bộ, chính quyền Mường Phăng, ngày 30/9/2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết một bức thư gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Nhà nước đáp ứng nguyện vọng của người dân xã Mường Phăng. Nội dung thư có đoạn viết: “… Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần phải bảo tồn. Đồng bào các dân tộc của tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Để tạo điều kiện cho tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng thực hiện dự án trên".
Dự án hồ chứa nước Loọng Luông được đánh giá là một công trình trọng điểm, bởi khi hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Mường Phăng phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản, phát triển du lịch, điều tiết khí hậu, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, tránh được hạn hán, chống lũ lụt, tạo môi trường sinh thái cho Khu Di tích lịch sử Mường Phăng và đặc biệt là góp phần tạo sinh kế bền vững, giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo.
Cánh đồng rộng lớn tại xã Mường Phăng
Ngay sau khi có thư của Đại tướng, công tác tiến hành khảo sát, nghiên cứu địa điểm xây dựng, bố trí nguồn vốn để thi công đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện. Khởi công xây dựng cuối năm 2010, sau hơn 2 năm thi công, hồ Loọng Luông được khánh thành và đưa vào sử dụng. Từ đây, cuộc sống người dân xung quanh hồ chứa nước và phía hạ lưu đã có tiền đề để phát triển sinh kế bền vững, từng bước ổn định cuộc sống, đưa kinh tế gia đình no đủ hơn.
Ông Lê Quang Thắng, cán bộ kỹ thuật hồ chứa nước Loọng Luông cho biết, hồ được xây dựng tại nơi hợp lưu của hai con suối Loọng Luông và Loọng Nghịu, có tổng diện tích lưu vực 1,9 km2 với tổng mức đầu tư hơn 82 tỷ đồng. Đây là tổ hợp các công trình liên hoàn gồm: Cụm đầu mối với đập cao 29m, dài 397m; tràn xả lũ kiểu tràn bên, ngưỡng tràn dài 15m; bể tiêu năng; cống có áp lấy nước đường kính 0,5m; hệ thống kênh tưới; hệ thống cấp điện; nhà quản lý…
Hồ có dung tích hữu ích hơn 1 triệu m3, có nhiệm vụ cấp nước tưới 150ha đất trồng lúa cho bà con dân tộc Thái, Mông… thuộc gần 10 bản trên địa bàn, trong đó có 50ha lúa một vụ và 100 ha lúa hai vụ. Từ khi có công trình hồ chứa nước Loọng Luông, nhân dân xã Mường Phăng không còn sống trong nỗi lo thiếu nước sản xuất. Bà con phấn khởi, tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày. Trước đây, hồ chứa nước Loọng Luông được giao cho Ban Quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý, vận hành. Nhiều năm trở lại đây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý thủy nông Điện Biên được giao quản lý.
Cùng cán bộ xã Mường Phăng, cán bộ quản lý vận hành hồ chứa nước Noọng Luông đi tham quan hồ, đứng trên thân con đập, phóng tầm mắt ra xung quanh, chúng tôi cảm nhận được mặt hồ xanh trong, trải rộng; phía hạ nguồn là diện tích lúa xanh ngát, chạy dài thẳng cánh cò bay. Trong câu chuyện kể, cán bộ kỹ thuật quản lý hồ Lê Quang Thắng cho biết: Hồ Noọng Luông có cao trình đỉnh đập 1.024m, mực nước dâng bình thường 1.022m, vì vậy có thể so sánh hồ như một “giếng treo” khổng lồ trên miền khát của vùng đất khó.
Từ khi có hồ chứa nước, cuộc sống của người dân nơi đây đã thật sự đổi thay, thuận lợi trong chăn nuôi, phát triển sản xuất, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp vì chủ động được nguồn nước. Để tạo điều kiện và tận dụng diện tích mặt nước hồ, Ban Quản lý hồ chứa nước đã bàn giao và cho người dân 4 bản (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông) được thả trực tiếp cá nuôi trong lòng hồ để khi mùa nước cạn sẽ thu hoạch cá. Người dân các bản tham gia nuôi cá đã thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Bước đầu, mô hình này hoạt động khá hiệu quả.
Ông Lò Văn Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết thêm: Hiện tại, công trình hồ chứa nước Loọng Luông có nhiệm vụ cung cấp nước tưới ruộng vườn cho người dân thuộc 14 bản như: Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Loọng Nghịu, Loọng Háy, các bản Cang 1, 2, 3, 4, các bản Yên 1, 2, 3, Co Mận 1, 2 và 2 bản Co Luống, bản Khẩu Cắm; với tổng diện tích vụ chiêm hơn 112ha, vụ mùa 162ha. Trước đây, khi chưa có hồ chứa nước, đồng bào dân tộc Mông các bản Loọng Luông 1, Loọng Luông 2, Co Mận, Loọng Háy, Loọng Nghịu không sản xuất vụ chiêm vì ruộng đồng thiếu nước, đất cằn cỗi. Từ khi có hồ chứa nước Loọng Luông, người dân quanh khu vực đã chủ động, tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất lúa nước, nâng cao chất lượng, năng suất, sản lượng, nông nghiệp.
Theo ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Mường Phăng là vùng căn cứ địa cách mạnh gắn với Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. 65 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết, chung tay phấn đấu trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội… để đưa một xã khó khăn thuộc vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh ngày càng khởi sắc.
Đến nay, xã Mường Phăng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới với 44/49 chỉ tiêu đạt gần 90%. Bức tranh về thung lũng Mường Phăng hôm nay thật đáng ghi nhận: Tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 42% (năm 2011) xuống còn hơn 10% (năm 2019); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên đến 30 triệu đồng/người/năm (năm 2019). Hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp khang trang. 90% đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản, ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Gần 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia. 5/5 trường học các cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn đều đạt trường chuẩn quốc gia…
Theo TTXVN