Kinh nghiệm ở những xã về đích trước hẹn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:02, 07/05/2019
Xã Thanh Sơn (Thanh Hà) không đăng ký nhưng vẫn về đích nông thôn mới trong năm 2018
Không trông chờ hỗ trợ
Xã Đức Xương (Gia Lộc) bắt tay vào xây dựng NTM với rất nhiều khó khăn. Là địa phương thuần nông, lại xa trung tâm và không có nghề phụ nên trong giai đoạn đầu, xã luôn nằm trong tốp cuối về xếp hạng thành tích xây dựng NTM của huyện. Nhưng bằng quyết tâm, sự đồng lòng của người dân và chính quyền, xã đã từng bước tháo gỡ rào cản, biến khó khăn thành lợi thế để về đích NTM trong năm 2018.
Theo ông Đỗ Trọng Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đức Xương, dù không có nhiều thế mạnh song xã xác định nâng cao đời sống người dân vừa là động lực vừa là mục tiêu của phong trào xây dựng NTM. Do đó phải phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn, dồn sức để đạt các tiêu chí NTM nhưng không về đích bằng mọi giá để tránh gây áp lực cho nhân dân. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân nên lần lượt các tiêu chí khó đều được hoàn thành bằng sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Cũng không được đánh giá cao trong cuộc đua về đích NTM giữa các xã của huyện Thanh Hà, song xã Thanh Sơn đã bứt tốc ở giai đoạn nước rút để sớm đạt được thành tích đáng khích lệ. Khởi điểm xây dựng NTM chỉ với 5 tiêu chí đã đạt nên mục tiêu xây dựng thành công NTM có những lúc tưởng chừng quá xa vời với xã. Mặc dù vậy, việc lựa chọn được cách làm phù hợp đã giúp xã huy động sức mạnh toàn dân, tạo ra được động lực để tác động mạnh mẽ vào nhận thức của từng người dân, giúp mọi người tin tưởng vào mục đích, ý nghĩa thiết thực của phong trào. Những kết quả nổi bật về hiến đất làm đường chính là điểm nhấn trong phong trào xây dựng NTM của xã. Phương châm “đường rộng đến đâu, dân giàu đến đó” đã tạo ra khí thế làm đường giao thông nông thôn sôi nổi trong toàn xã. Người dân hiến đất, đóng góp sức lao động, con em xa quê cũng hướng về quê hương để ủng hộ và dõi theo những đổi mới của quê nhà. Trong thời gian xây dựng NTM, nhân dân trong xã đã đóng góp 16,1 tỷ đồng để làm đường. “Việc xây dựng NTM từ lòng dân đã giúp xã về đích NTM trước thời hạn 1 năm. Đây chính là thành quả của khối đoàn kết toàn dân, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của nhân dân”, ông Đoàn Đình Goòng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn khẳng định.
Tiếp tục vươn lên
Năm 2018, bên cạnh 29 xã được công nhận NTM theo đúng tiến độ thì có 5 xã không đăng ký nhưng vẫn cán đích là An Sơn (Nam Sách), Đức Xương, Tân Tiến (Gia Lộc), Thanh Sơn (Thanh Hà) và Dân Chủ (Tứ Kỳ). Trong quá trình xây dựng NTM, dù không nhận được kinh phí hỗ trợ từ UBND tỉnh song các xã này vẫn nỗ lực, quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM. Điều này chứng tỏ xây dựng NTM không phải là cuộc vận động áp đặt từ trên xuống mà là xu thế tất yếu góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người dân. Chính vì thế, khi đã đạt được thành tích, các xã này không bằng lòng với chính mình mà tiếp tục vươn lên.
Không là xã điểm, cũng không có những yếu tố nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội song xã Dân Chủ vẫn về đích trước hẹn. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao trong thời gian tới, xã tập trung cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, xã sẽ tổ chức cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, áp dụng công nghệ cao vào đồng ruộng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX kiểu mới để tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Thực hiện tốt tiêu chí này sẽ thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chí khác nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,1 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu sẽ đạt mức thu nhập theo bộ tiêu chí NTM nâng cao theo từng năm là 55 triệu đồng năm 2019 và tới năm 2020 là 60 triệu đồng.
DŨNG CƯỜNG