Tiền điện tăng do nhiều yếu tố
Kinh tế - Ngày đăng : 18:46, 08/05/2019
Tiền điện tháng 4 của khách hàng tăng do giá và lượng điện sử dụng tăng lên
Khách hàng bất ngờ khi nhận hóa đơn tiền điện
Anh Đỗ Đức Bình ở khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương là một trong những khách hàng đã gọi điện đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương phản ánh sự chênh lệch trong HĐTĐ giữa tháng 3 và tháng 4. Theo anh Bình, về cơ bản nhu cầu sử dụng điện của gia đình anh trong tháng qua không thay đổi. Bởi anh không mua sắm thêm thiết bị điện mới, số người trong gia đình không tăng thêm. Nhưng khi thanh toán tiền điện, số tiền chênh lệch lớn làm anh nghi ngờ về cách tính tiền của doanh nghiệp. Dù vậy, khi được nhân viên của công ty giải thích, anh Bình đã hiểu rõ hơn và thấy số tiền gia đình phải thanh toán là phù hợp.
Anh Vũ Văn Long cùng ở khu đô thị mới phía tây TP Hải Dương cũng ngạc nhiên khi HĐTĐ tháng 4 tăng đáng kể so với tháng 3. Cụ thể, tháng 3 gia đình anh Long sử dụng hết 790.000 đồng tiền điện, còn tháng 4 hết 992.000 đồng, tăng 202.000 đồng. Khi thấy có sự chênh lệch này, anh Long đã tự kiểm tra lại hóa đơn thì thấy tháng 3 gia đình anh sử dụng 354kWh điện, còn tháng 4 sử dụng 404 kWh điện. "Mới nhìn tôi tưởng tiền điện tăng cao nhưng khi nhìn vào chỉ số kWh điện rồi tính ra tiền, tôi thấy số tăng trên đúng với quy định", anh Long cho biết.
Trong tháng 4, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã nhận được 248 ý kiến của khách hàng về giá điện, mức tăng tiền điện so với những tháng trước, chiếm 0,047% số khách hàng. Tất cả các ý kiến của khách hàng đều được Trung tâm Chăm sóc khách hàng và các phòng, ban chuyên môn của công ty giải đáp thỏa đáng. Do đó, không có khách hàng thắc mắc lần 2.
Nguyên nhân do đâu?
Nhiều khách hàng cho rằng HĐTĐ tháng 4 tăng do Bộ Công thương quyết định tăng giá điện thêm 8,36% từ ngày 20.3. Mặc dù vậy, qua phân tích, giá điện tăng chỉ là một yếu tố tác động đến HĐTĐ chứ không phải tất cả. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương phân tích: Nếu một gia đình sử dụng 300 kWh, số tiền phải trả theo giá mới là 625.000 đồng (chưa bao gồm thuế VAT), còn trả theo giá cũ là 577.000 đồng. Như vậy, số tiền chênh lệch giữa giá cũ và giá mới là 48.000 đồng, tương đương 8,32%, phù hợp với mức tăng do Bộ Công thương quyết định. "Nếu số kWh điện của khách hàng tháng trước và tháng sau sử dụng như nhau thì chắc chắn mức tăng chỉ là 8,36% chứ không thể có việc tăng hơn. Còn nhiều khách hàng phản ánh HĐTĐ tăng thì chắc chắn khách hàng đó đã sử dụng nhiều điện hơn tháng trước", ông Cường khẳng định.
Trong tháng 3, số ngày ghi chỉ số điện chỉ có 28 ngày (do tháng 2 có 28 ngày), song sang đến tháng 4, số ngày ghi chỉ số là 31 ngày (tháng 3 có 31 ngày). Do có sự chênh lệch về số ngày như vậy nên số kWh điện của khách hàng cũng tăng thêm. Lượng điện sử dụng trong 3 ngày của một khách hàng tăng khoảng 11%. Mặt khác, đây là thời điểm giao mùa, người dân bắt đầu sử dụng thiết bị làm mát. Trong tháng 4 còn xuất hiện các đợt nắng nóng cục bộ, nhiệt độ cao nhất có thời điểm đạt đến 37độ C, nhiều gia đình đã sử dụng điều hòa. Mặc dù phải vận hành nhiều thiết bị điện phục vụ sinh hoạt nhưng nhiều khách hàng không nhận ra sự thay đổi này.
Từ các yếu tố trên dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 của tỉnh đạt 497,3 triệu kWh, tăng 20,8 triệu kWh điện so với tháng 3 và tăng 82 triệu kWh điện so với tháng 4.2018.
Để không còn "giật mình" với HĐTĐ, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương khuyến cáo người dân cần áp dụng các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng đèn led. Khi đặt điều hòa, không nên để nhiệt độ quá thấp, không sử dụng nhiều thiết bị điện vào giờ cao điểm...
THANH HÀ