Hoạt động nhân đạo, từ thiện đúng cách

Góc nhìn - Ngày đăng : 09:13, 21/05/2019

Không chỉ trong tháng 5 - Tháng Nhân đạo năm nay với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện mới sôi nổi.

Hằng ngày, trên các trang mạng xã hội, các trang Facebook cá nhân, các cơ quan, tổ chức, địa phương có rất nhiều hoạt động vận động, quyên góp, ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong tỉnh, đã có nhiều cảnh đời khốn khó, nhiều học sinh nghèo, nhiều gia đình kiệt quệ vì bệnh tật... được các nhà hảo tâm chia sẻ, giúp thoát khỏi khó khăn.

Nhưng đằng sau những hoạt động nhân đạo, từ thiện đã phát sinh nhiều chuyện khó xử cho cả người cho và người nhận. Ví dụ gần đây một gia đình khó khăn được một nhóm từ thiện gom góp để hỗ trợ xây dựng nhà, nhưng một thành viên trong gia đình không đồng ý. Việc vận động, quyên góp được nguồn hỗ trợ đã khó, nhưng sau đó việc thuyết phục để thành viên đó đồng ý làm nhà còn khó hơn.

Có gia đình tuy rất khó khăn, có đến 2-3 người trong gia đình bị bệnh tật, nhưng họ từ chối nhận sự hỗ trợ, sắp xếp về nơi ăn chốn ở, nơi điều trị do nhóm thiện nguyện đề xuất. Lý do thì rất nhiều và khác nhau. Có gia đình từ chối vì việc hỗ trợ không đúng nhu cầu. Có người tâm lý không ổn định, hoặc không muốn tiếp xúc với các hoạt động xã hội...

Bên cạnh đó, đã từng có người nhiều lần đề nghị được hỗ trợ. Có gia đình lấy hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật ra để đề nghị nhiều tổ chức, nhiều lượt hỗ trợ. Ỷ lại sức khỏe yếu, không làm việc gì, một vài trường hợp chỉ chuyên kêu gọi giúp đỡ. Có nhóm thiện nguyện đã từ chối hỗ trợ vì thấy hàng hóa hỗ trợ bị bán đi để lấy tiền tiêu xài...

Tuy nhiên, như người xưa đã nói "của cho không bằng cách cho" nên cũng đã có cả những câu chuyện buồn liên quan đến việc trao và nhận. Như chuyện ủng hộ quần áo, hàng hóa mà người dùng "dở khóc, dở cười" vì không thể sử dụng. Có nhóm làm từ thiện theo kiểu phong trào, ào ào đến tặng quà và chụp ảnh đưa lên mạng xã hội chứ không quan tâm thực sự đến nhu cầu của người nhận. Có nhóm lại nửa đêm mang đồ ăn, nước uống đến cho những người cơ nhỡ trong lúc họ đang ngủ.

Gần đây, liên quan đến việc trao quà từ thiện, tôi được nghe về một cách trao quà khá ý nghĩa của một nhóm các bạn trẻ nước ngoài. Đó là, thay bằng cách trao quà tận tay những em học sinh khó khăn của một trường miền núi, các bạn hô hào các em cùng vận chuyển hàng hóa xuống khỏi xe ô tô; cùng sắp xếp, đóng gói đồ dùng hỗ trợ. Sau đó, món quà hỗ trợ được trao như để trả công cho việc các em đã tham gia lao động.

Ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay cũng đang có những quán cơm 2.000 đồng, quán bánh mì 1.000 đồng dành cho người nghèo. Họ đến đây, tuy trả phí ở mức rẻ nhất nhưng được phục vụ như những thực khách bình thường. Hoặc nhiều nơi có các cửa hàng trao đổi quần áo miễn phí, ai cần mặc tự đến lấy, ai không mặc tự mang đồ đến... Đó chính là những cách làm nhằm tôn trọng người nhận, tránh để họ có mặc cảm, tự ti thêm về sự nghèo khó. Bên cạnh đó, những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn cũng phải tự ý thức vươn lên trong lao động, không ỷ lại cộng đồng.

Hãy đặt mình vào vị trí của người nhận để hiểu và cảm nhận tâm trạng của họ, từ đó có cách cho đi ý nghĩa và hiệu quả hơn.

LINH AN