''Giá điện không tăng 8,36% như EVN công bố?''

Kinh tế - Ngày đăng : 13:39, 22/05/2019

Đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đưa ra nhận xét này và chứng minh bằng các con số.


Đại biểu Lê Thu Hà. Ảnh: Quochoi.vn

Đề nghị kiểm toán vào cuộc để "minh bạch giá điện"

Bà Hà chỉ ra: Bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế cho thấy người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kWh trở lên) phải trả đến 2.927 đồng cho 1 kWh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng) và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200 kWh), theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), hơn 10% so với giá cũ 1.858 đồng, khác với 8,4% mà EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201-300 kWh) là 12,7% và ở bậc 5 (301-400 kWh) là 14,2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2% và 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.

"Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn. Cần minh bạch giá đúng của 1kWh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kWh điện, phí quản lý từng kWh điện). Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới", đại biểu Lê Thu Hà đề nghị.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lên tiếng: "Hôm nay tôi đọc báo cáo của Bộ Công thương, trong đó cũng giải trình cụ thể cơ sở để tăng giá. Nhưng cử tri thì không biết tính toán cơ sở tăng giá, họ chỉ biết rằng tăng giá điện, giá xăng thì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đến đồng lương của họ. 

Tôi đề nghị Quốc hội cho kiểm toán, sau đó công bố rõ ràng với dân, khi minh bạch rồi thì cho dù tăng hay giảm dân cũng hài lòng, bởi quan trọng nhất là tính minh bạch". 


GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội 

Chưa ngã ngũ về cách tính giá điện

Trong khi đó, tại tổ ĐBQH Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN Dương Quang Thành lại có một màn đối đáp với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về việc tăng giá điện.

Ông Thành cho biết việc tăng giá điện theo lộ trình đã được EVN làm công khai, minh bạch. Khi có thắc mắc của người dân thì EVN cũng đã tháo gỡ. "Tất cả kiến nghị, thắc mắc của người dân đã được giải thích thấu đáo, nhận được sự đồng tình từ người dùng điện", Chủ tịch HĐTV EVN nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai "bác" lại bằng câu chuyện của gia đình mình: bà vẫn xài điện như cũ, không tăng thêm thiết bị nào mà hóa đơn tháng qua nhảy gần gấp đôi. "Nói rằng tháng vừa qua nắng nóng rồi tăng tiền điện thì năm nào mà chẳng nóng", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Nói về các thông tin xung quanh chuyện tăng giá điện trên mạng xã hội, GS Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều sự việc đã bị thổi phồng, trong khi người dân và các cơ quan chức năng đã không bình tĩnh để lắng nghe kỹ, khiến các sự việc bị đẩy ra xa.

"Việc tăng giá điện đã không được giải thích kỹ, không đúng thời điểm để cho dân hiểu", GS Trí nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Thông tin giá điện gánh lỗ ngoài ngành của EVN không chính xác"


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tiếp tục thanh tra giá điện

Ông Vương Đình Huệ (ĐBQH Hà Tĩnh) cũng giải trình tại họp tổ: Điện là mặt hàng vật tư chiến lược, cân đối năng lượng điện là cân đối lớn của kinh tế vĩ mô, nên phải đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng. Thường trực Chính phủ đã họp nhiều lần, chọn tăng 8,36% thay vì 9,26%.

Theo đó, sản lượng điện bình quân 3 năm qua tăng 10,21%, trong khi GDP tăng 7%. Dự báo 2019, tổng công suất điện phải tăng 11,23% mới đảm bảo yêu cầu.

"Theo quy định của Luật Điện lực thì phải có chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư, đảm bảo cân đối điện. Trong khi đó, sản lượng điện do EVN tự sản xuất đang giảm dần, chủ yếu là mua từ thị trường, nên tổng chi phí hình thành điện do EVN sản xuất giảm. Hiện nay nguồn năng lượng tái tạo được đẩy mạnh đầu tư, song mức giá mua tới 9,35 cent/kWh, cao hơn giá bán lẻ điện bình quân, chưa kể chi phí lớn để tích điện", Phó Thủ tướng cho rằng nếu không có chính sách hợp lý thì khó giúp EVN tái đầu tư.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, theo ông Huệ, là dựa trên các thông số tính toán đầu vào. Biểu giá điện lũy tiến đã được áp dụng từ năm 2011, đến nay số hộ gia đình trong cả nước tiêu dùng từ 200kWh trở xuống chiếm 71%, do đó duy trì biểu giá này giúp người nghèo có lợi hơn.

Việc công khai, minh bạch giá thành sản xuất kinh doanh điện, tình hình hoạt động của EVN cũng được kiểm toán độc lập thực hiện hằng năm, ban kiểm tra giá thành gồm nhiều đơn vị liên quan kiểm tra, Phó thủ tướng cho biết.

"Thông tin nào nói giá thành điện gánh lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN là thông tin không chính xác. Hiện EVN đã thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, chỉ còn lại vốn tương đương 7,5% tại Công ty CP Tài chính điện lực, đang làm ăn có lãi", ông Vương Đình Huệ cho hay.

Theo Tuổi trẻ