Nghịch lý tuyển sinh nhóm ngành sư phạm

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:20, 23/05/2019

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm tăng gần 30% so với năm 2018 nhưng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lại giảm gần 10.000 chỉ tiêu...

Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm là 46.285, tăng 30,05% so với năm 2018. Tổng số chỉ tiêu tăng lên hơn 10.000 nhưng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lại chỉ có hơn 115.000, giảm gần 10.000 chỉ tiêu. Riêng nguyện vọng 1 là 39.789, thấp hơn cả chỉ tiêu cần tuyển. Đó là bức tranh không mấy tươi sáng về tình hình tuyển sinh nhóm ngành sư phạm năm nay, tiếp tục báo hiệu tương lai không mấy khả quan về chất lượng đội ngũ giáo viên trong những năm sắp tới.

Khi số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển còn thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển thì việc lựa chọn sinh viên có chất lượng tốt từ đầu vào như thế này là rất khó khăn. Mặc dù lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã lên tiếng trấn an dư luận rằng không nên lo lắng vì bộ có các biện pháp kiểm soát chất lượng đầu vào ngành sư phạm. Nhưng những biện pháp này trên thực tế đều đã bộc lộ sự bất hợp lý. Biện pháp kiểm soát bằng chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ giao các trường sư phạm tuyển 73% nhu cầu đào tạo là không hợp lý vì việc đào tạo phải theo nhu cầu thị trường lao động chứ không nên căn cứ vào nhu cầu đào tạo của các trường. Đào tạo sinh viên sư phạm để có những giáo viên đi dạy học chứ không phải để các trường sư phạm có việc làm.

Biện pháp kiểm soát chất lượng đầu vào bằng điểm sàn xét tuyển điểm thi THPT quốc gia không phát huy tác dụng vì mức điểm sàn năm 2018 của nhóm ngành sư phạm chỉ 17 điểm đối với trình độ đại học, 15 điểm đối với cao đẳng và 13 điểm đối với trung cấp. Đây là mức điểm thấp, trình độ trung cấp chỉ cần đạt chưa tới trung bình 5 điểm/môn thì làm sao có thể gọi là đầu vào có chất lượng cao? Với mức điểm sàn thấp như vậy, năm 2018, nhóm ngành sư phạm vẫn chỉ tuyển được 44% chỉ tiêu. Đến năm nay, số lượng thí sinh đăng ký còn thấp đi mà Bộ GDĐT lại tăng chỉ tiêu tuyển sinh là không hợp lý.

Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm còn mâu thuẫn với tình trạng thừa giáo viên đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngành GDĐT cho rằng cả nước vẫn đang thiếu giáo viên nhưng thực tế đó là thiếu chỉ tiêu biên chế giáo viên chứ không phải thiếu giáo viên. Hầu hết các trường đều có thể tuyển đủ giáo viên theo nhu cầu nhưng nhiều người không nằm trong biên chế và nhiều sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp vẫn không kiếm được việc làm đúng ngành đào tạo. Tình trạng này là nguyên nhân chính khiến nghề giáo không còn hấp dẫn đông đảo thí sinh, nhất là những thí sinh giỏi có thể đỗ vào các trường tốp đầu khác. Đây là sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường lao động. Trên thực tế hầu như không tồn tại ngành nào thiếu người lao động, dễ kiếm việc làm mà liên tục không tuyển đủ người để đào tạo. Nếu tiếp tục đào tạo nhóm ngành sư phạm tràn lan thì tình trạng giáo viên thất nghiệp sẽ tiếp diễn ra trong tương lai và ngành này lại càng khó tuyển sinh.

Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên, trước tiên nên tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành này nếu nhu cầu thực tế cao hơn chỉ tiêu được giao; điều tiết giáo viên từ những nơi thừa sang những nơi đang thiếu. Khi giáo viên có việc làm ổn định, không chịu cảnh bấp bênh của “giáo viên hợp đồng” thì ngành này sẽ thu hút được đông đảo thí sinh hơn. Còn việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm chỉ làm những bất hợp lý sâu sắc thêm và chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng có nguy cơ giảm sút.

LAM ANH