Cần thiết sửa Luật Kiểm toán nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 09:52, 24/05/2019
Đây là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Nhưng theo tôi cần bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo.
Hiện nay, hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ quan này có sự chồng chéo, trùng lắp về niên độ, nội dung, phạm vi và đối tượng, phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra và đơn vị được kiểm toán. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đã bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo trong dự thảo luật này là rất phù hợp.
Vì kế hoạch kiểm toán hằng năm của Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. Đối với hoạt động thanh tra, tại điểm c khoản 1 điều 16 Luật Thanh tra đã quy định Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì, xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh. Ngày 11.3.2015, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã ký Quy chế phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước. Sau hơn 3 năm thực hiện, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp tốt để giải quyết chồng chéo trong hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán.
Về bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước, tôi đồng tình với các ý kiến trong tờ trình và các nội dung quy định trong dự thảo luật. Tôi thấy trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, Kiểm toán Nhà nước được ký với các cơ quan, ban, ngành thông tư liên tịch, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng là cần thiết. Quy định này chúng ta có thể nghiên cứu để kiến nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước, tôi cho rằng Kiểm toán Nhà nước được quyền xử phạt các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực của mình. Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định nhưng không có nghĩa là cấm. Hiện nay, Tòa án Nhân dân, Kho bạc Nhà nước cũng xử phạt hành chính...
Thực tế pháp luật tại nhiều nước cũng quy định Kiểm toán Nhà nước có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước như: Luật Kiểm toán nhà nước của Liên bang Nga, Ba Lan, Hàn Quốc, Campuchia...
Vì vậy, quy định như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước là phù hợp.
HOÀNG QUỐC THƯỞNG
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương