"Xe trăm nghìn" - những vấn đề nan giải. Bài cuối: Quản lý thế nào?
Kinh tế - Ngày đăng : 12:09, 24/05/2019
"Xe trăm nghìn" - những vấn đề nan giải. Bài 1: Dịch vụ vận tải mới nở rộ
Từ khi "xe trăm nghìn" xuất hiện, hầu hết taxi truyền thống mất các hành khách đi Hà Nội
"Biết nhưng không làm gì được!"
Đây là thừa nhận của đại diện một số cơ quan chức năng khi chúng tôi đặt vấn đề quản lý "xe trăm nghìn" bằng cách nào. Là một trong những cán bộ từng họp bàn phương án và trực tiếp xử lý "xe trăm nghìn", ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết nếu "căng tay" với "xe trăm nghìn" thì cũng chỉ xử lý được phần ngọn, giống như "chặt đầu này thì mọc đầu khác". Hầu hết khi lên xe, hành khách đều được lái xe quán triệt nếu có lực lượng chức năng dừng xử lý thì phải trả lời đây là xe gia đình, hoặc vẫy xe đi nhờ. Mặc dù biết chắc chắn đó là xe kinh doanh nhưng lực lượng chức năng không có bằng chứng để chứng minh được họ đang kinh doanh và những người trên xe là khách, cũng không có chứng cứ lái xe thu tiền của khách nên không xử lý được.
Dịch vụ "xe trăm nghìn" bung ra hoạt động tự do không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách vốn đang được quản lý chặt chẽ mà còn khiến bị thất thu thuế kinh doanh vận tải. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy rõ khoản hụt thu này. TP Hải Dương hiện có 353 xe ô tô con của cá nhân gửi vào các hãng taxi và được nhượng quyền thương hiệu. Các xe này là xe của cá nhân nhưng có cơ chế hoạt động như taxi, có mào xe, logo, bộ đàm... Hằng năm, mỗi chủ xe đóng 300.000 đồng tiền thuế môn bài, 6,6 triệu tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, hằng năm mỗi xe này nộp vào ngân sách khoảng 7 triệu đồng. Không có thống kê cụ thể, song ước tính trong tỉnh, nhất là ở TP Hải Dương có từ 400-500 "xe trăm nghìn". Nếu quản lý được thì mỗi năm ngân sách sẽ được bổ sung thêm vài tỷ đồng. Ông Vũ Thái Dương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương cho biết: "Biết rõ các xe đó đang kinh doanh vận tải nhưng hiện cơ quan thuế không thể yêu cầu chủ xe thực hiện nghĩa vụ thuế vì họ không có ràng buộc gì về pháp lý. Trong khi các đơn vị vận tải khác đăng ký kinh doanh với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về vận tải đang được quản lý chặt chẽ thì loại xe này lại hoạt động tự do. Đề nghị các đơn vị chức năng sớm tìm ra biện pháp quản lý loại hình vận tải hành khách này cho phù hợp".
Chưa có phương án khả thi
Ngay khi "xe trăm nghìn" bung ra, Sở Giao thông vận tải đã vào cuộc xử lý nhưng gặp rất nhiều vướng mắc. Theo quy định hiện hành, các xe kinh doanh vận tải hành khách buộc phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phù hiệu. Do không đăng ký nên hiện các "xe trăm nghìn" đang hoạt động "nửa công khai, nửa lén lút" dưới vỏ bọc là xe gia đình. Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết chưa có phương án nào khả thi để có thể quản lý "xe trăm nghìn". Không chỉ tại Hải Dương mà ở nhiều địa phương khác, thậm chí cả Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đang lúng túng trước loại hình vận tải hành khách này.
Do bị cạnh tranh không lành mạnh nên cách đây chưa lâu có một chủ doanh nghiệp taxi đã tập hợp được khoảng chục chủ "xe trăm nghìn" với mục đích hoạt động có tổ chức, có điều hành. Tuy không gom xuể các chủ "xe trăm nghìn" nhưng mô hình này hoạt động ổn định trong một thời gian, điều tiết phương tiện khá nhịp nhàng. Song không lâu sau, các chủ "xe trăm nghìn" cảm thấy bức bối vì đang tự do lại "mua dây buộc mình" nên họ đã rút ra ngoài hoạt động độc lập để không bị chi phối bởi tổ chức nào. Ông Nguyễn Văn Định, đại diện hãng taxi Thành Đông cho biết: "Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp bảo hộ cho taxi truyền thống trước sự cạnh tranh không lành mạnh của loại "xe trăm nghìn". Họ đạt doanh thu cao nhưng không mất một đồng tiền thuế".
Về lâu dài, chắc chắn sẽ phải có các biện pháp quản lý nhà nước đối với "xe trăm nghìn". Nhưng cho đến thời điểm hiện nay thì chưa có một phương án khả thi nào được đưa ra. "Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị viễn thông để nắm được các số điện thoại thường xuyên giao dịch đưa đón khách. Từ đó từng bước quản lý hoạt động của loại xe trên", ông Dương đưa ra ý kiến. Còn theo ông Lê Quý Tiệp, thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, khó khăn khi xử lý "xe trăm nghìn" chính là chưa xếp hoạt động kinh doanh này vào loại hình gì. Về lâu dài, để quản lý "xe trăm nghìn" nên chăng phải luật hóa, bắt buộc tất cả các ô tô con phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. "Căn cứ dữ liệu từ giám sát hành trình sẽ cho thấy các xe kinh doanh di chuyển nhiều hơn gấp nhiều lần so với xe gia đình và buộc các chủ xe thừa nhận là đang kinh doanh. Trong khi chưa có chế tài, các hãng taxi truyền thống cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh. Hành khách cũng cần tỉnh táo hơn khi lựa chọn dịch vụ vì sự an toàn của bản thân. Lái xe taxi truyền thống chắc chắn được tuyển chọn kỹ càng hơn về sức khỏe, đạo đức, năm kinh nghiệm", ông Tiệp cho biết thêm.
CẨM GIANG - LÊ TRẦN