Soi phương pháp học của các thủ khoa

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:41, 28/05/2019

Chính từ kinh nghiệm học tập của các thủ khoa đã minh chứng cho quan điểm: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau".

Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ chỗ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà không làm được”.

Thực hiện lời khuyên răn tâm huyết ấy, thủ khoa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Đỗ Đức Trung đã xác định cho mình 2 nguyên tắc học tập: “Không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến việc học và trong từ điển của Trung không bao giờ có từ không thể”.

Trung luôn ý thức được ý nghĩa của hai câu: “Không thầy đố mày làm nên” và “Học thầy không tày học bạn”. Vì thế, anh thường cố gắng học theo phương pháp của các bạn giỏi trong lớp.

Với Trung, phương pháp học tập được thể hiện ở 3 điểm: Một là, học không quan trọng về thời gian mà về hiệu suất của nó. Thà tập trung học hai tiếng còn hơn ngồi năm tiếng mà đầu óc cứ bị xao lãng vì ngoại cảnh. Hai là, không nên học một môn quá 3 - 4 giờ, phải thay đổi để não có thể làm mới và giữ được sự tập trung. Ba là, phải nắm cơ bản lý thuyết, sau đó bắt tay vào làm bài tập. Cái gì chưa hiểu thì phải hỏi thầy, hỏi bạn, không được giấu dốt. Cuối cùng, phải tổng hợp kiến thức quan trọng và dạng bài tập cùng với những mẹo vặt vào một cuốn sổ nhỏ để dễ nhớ.

Quan niệm về phương pháp học tập của Nguyễn Thị Huệ, thủ khoa Đại học Lao động xã hội là tận dụng thời gian trên lớp để nắm kiến thức cần lĩnh hội. Về nhà, bên cạnh việc tự học phải coi trọng việc học nhóm, cần đọc trước giáo trình để chuẩn bị tâm thế khi nghe bài giảng mới.

Với thủ khoa khác của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Lê Đức Thiện thì việc thư giãn sau những lúc học tập căng thẳng là nghe nhạc để có thể lấy lại hứng thú học tập. Vì âm nhạc có thể lay động đời sống của con người. Mỗi bài hát đem lại một cảm xúc phấn chấn khác nhau, nhưng bài hát để lại ấn tượng nhất đối với Thiện trong lúc học thi là bài “Đường đến ngày vinh quang” của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập. Giai điệu, ca từ của bài hát như giục giã, khích lệ Thiện quyết tâm và cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để có được thành công.

Chính từ kinh nghiệm học tập của các thủ khoa đã minh chứng cho quan điểm: "Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Vì sao vậy? Các thủ khoa đều biết rõ xã hội ngày nay đang phát triển với tốc độ nhanh gấp bội, thông tin bùng nổ trong từng phút, từng giây, bởi thế tư duy tập thể sẻ chia sẽ nhanh hơn tư duy cá nhân. Làm việc trong sự sẻ chia với người khác giống như việc bạn tự tìm cho mình một con đường tắt.

Cùng nhau tư duy để giải quyết một vấn đề gì đó là cách tốt nhất để có được một tư duy sáng tạo. Có thể nói hầu hết những ý tưởng vĩ đại đều bắt nguồn từ sự kết hợp hài hòa những ý tưởng độc đáo. Và hầu hết những ý tưởng tốt đều bắt nguồn từ tư duy nhóm. Nhà soạn kịch nổi tiếng Ben Jonson đã nói: "Một người chỉ biết tự học một mình giống như là một kẻ ngốc so với một bậc thầy khi người đó biết tự học trong mối quan hệ tương tác sẻ chia".

Sự đổi mới giáo dục và đào tạo đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay đã và đang sử dụng  tích hợp những ưu điểm của các phương pháp giáo dục truyền thống với thế mạnh của các phương pháp giáo dục hiện đại, nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển tối đa năng lực thực tiễn của mỗi học sinh, sinh viên.

Vận dụng tốt nội dung các vấn đề đã nêu ra trong bài viết này, hy vọng các em học sinh, sinh viên sẽ đạt kết quả cao trong các kỳ thi tới. 

TS. PHẠM TRUNG THANH