Nghĩ về vấn nạn tiêu cực trong thi cử hiện nay

Chính trị - Ngày đăng : 07:35, 31/05/2019

Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục cho rằng, để ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực trong thi cử, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 có khá nhiều điều chỉnh nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, trung thực và hạn chế tối đa sự cố gian lận điểm thi gây hoang mang dư luận như năm 2018.

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ mùa thi năm 2018, báo chí cả nước đã tốn khá nhiều giấy mực xung quanh vụ lùm xùm trong kỳ thi THPT quốc gia ở Hà Giang. Tiếp theo Hà Giang là điểm thi ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Phải thẳng thắn chỉ ra rằng đây chỉ là những “giọt nước tràn ly” vì vấn đề gian lận trong thi cử đã có từ lâu, trở thành vấn nạn khó dẹp bỏ. Chúng ta vẫn chưa quên vụ tiêu cực trong thi cử ở Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cách đây hơn 10 năm. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã quay clip ghi lại cảnh giáo viên tại trường bỏ vị trí coi thi, sau đó nhân viên phục vụ vào tận phòng thi truyền tài liệu, phát lời giải cho thí sinh. Tiếp đó là năm 2012, vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) đã trở thành điểm nóng lúc bấy giờ. Clip quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi của các thí sinh và cảnh giáo viên trực tiếp vào phòng thi ném bài giải môn toán, ngoại ngữ. Năm 2015, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hai người để điều tra hành vi dùng thiết bị đọc bài giải môn lịch sử đưa vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia...

Dư luận xã hội đang mong mỏi các đối tượng liên quan trong vụ tiêu cực gian lận thi cử ở mấy tỉnh trên phải bị xử lý thật nặng để xã hội lấy lại niềm tin. Nhiều người còn đặt ra câu hỏi là làm sao để giám sát việc xử lý những người vi phạm trong thi cử này. Với cán bộ vi phạm, liệu có bỏ sót ai không, có công khai minh bạch tất cả các trường hợp không? Có nhiều cuộc thảo luận về mức độ trách nhiệm của các bên, những tác hại nào họ đã gây ra… nhưng đến nay, câu chuyện vẫn chưa kết thúc và chưa có kết quả xử lý cụ thể ở tất cả các vụ việc. Những vấn đề nhức nhối này, chừng nào được giải đáp thỏa đáng, chừng đó mới hy vọng tình trạng tiêu cực trong thi cử không lặp lại.

Từ những sai phạm mang tính chất nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm học vừa qua, nhiều chuyên gia quản lý giáo dục cho rằng, để ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực trong thi cử, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Nhưng bên cạnh đó phải là các khâu thanh tra, kiểm tra, rà soát, tăng cường hậu kiểm, xử lý đúng người, đúng việc khi xảy ra gian lận.

Thực sự đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh để chấn chỉnh hoạt động thi cử. Những nhà giáo dục có tâm huyết thì cho rằng cần giáo dục tính trung thực, tổ chức tốt việc giảng dạy, học tập và thi cử trong từng môn học, từng tiết học, tạo cho học sinh một nền nếp nghiêm túc. Nhà trường tăng cường tuyên truyền để học sinh, phụ huynh nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của năng lực thật sự mỗi cá nhân cần có để làm người chứ không phải nhờ vào bằng cấp có được do tiêu cực. Các tổ chức Đoàn, Đội thường xuyên mở các chương trình ngoại khóa, các diễn đàn để phát động phong trào chống tiêu cực trong thi cử, tránh bệnh hình thức, thành tích. Nhà trường tổ chức các kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc; có thể cấm thi đối với những thí sinh vi phạm nghiêm trọng; kỷ luật nặng hoặc cho thôi việc những giáo viên, cán bộ tiêu cực.

Được biết trong vụ tiêu cực thi cử tương tự xảy ra ở Mỹ, các phụ huynh chạy điểm cho con có khả năng bị xử án tù rất cao. Xử nghiêm khắc đối với các phụ huynh vi phạm cũng là việc phải làm, nhất là những người chạy điểm cho con lại đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, là cán bộ, đảng viên.

ĐẶNG XUÂN KA(TP Hải Dương)