Vị tướng được Ngô Quyền ủy thác

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 19:53, 31/05/2019

Đình Thụy Trà (xã Nam Trung, Nam Sách) thờ vị thành hoàng của làng Phạm Chiêm (Phạm Lệnh Công) - vị tướng có công giúp Ngô Quyền đánh giặc Nam Hán và duy trì nhà hậu Ngô vương.


Đình Thụy Trà thờ Phạm Lệnh Công 

Theo các nguồn tài liệu được lưu giữ, Phạm Chiêm sinh ngày 16.8.889, mất ngày 5.3.962, là một hào trưởng nổi tiếng ở vùng Trà Hương, Nam Sách Giang (tức xã Nam Trung ngày nay). Cụ thân sinh ra ông là Hồng Châu tướng quân Phạm Trí Dũng (Phạm Trì).

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên, Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ, làm tướng và đóng quân ở Trà Hương. Ngô Quyền thấy Phạm Lệnh Công tướng mạo phương phi, là người có tài, tinh thông chữ nghĩa nên kết tình anh em. Năm 938, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Phạm Lệnh Công cùng Ngô Quyền đem quân ra đánh thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội.

Do sợ bị tiêu diệt, Kiều Công Tiễn đã cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán lúc bấy giờ là Lưu Cung cho con trai là Hoằng Tháo kéo quân đường thủy sang giúp thực chất là cơ hội chiếm lấy Giao Châu. Theo lệnh của Ngô Quyền, Phạm Lệnh Công cùng với quân sĩ đóng cọc gỗ bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng và nhử quân địch vào trong.

Khi thủy triều lên, quân Nam Hán thấy quân của ta chỉ có thuyền nhẹ, quân ít, tưởng có thể dễ thắng nên hùng hổ tiến vào. Đợi khi thủy triều xuống, quân Nam Hán bị mắc cạn, thuyền chiến của giặc bị đâm thủng gần hết. Quân ta đổ ra đánh, quân Nam Hán thua chạy, Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ. 

Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, Phạm Lệnh Công được Ngô Quyền trọng dụng và phong chức Đông Giáp tướng quân, cấp đất cho ông ở Trà Hương. Cuối đời, Ngô Quyền thấy Phạm Lệnh Công là người tin cậy nên đã viết một tờ di chỉ để lại dặn dò con, trong đó có nói rằng nếu gặp bất trắc thì trông cậy vào Phạm Lệnh Công. Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha là em vợ của Ngô Quyền đã cướp ngôi nhà Ngô. Thời điểm này, Phạm Lệnh Công từ quan về quê. Ngô Xương Ngập khi bị cướp ngôi vua đã nhớ lời cha dặn, liền tìm Phạm Lệnh Công nhờ che chở.

Phạm Lệnh Công đã đưa Ngô Xương Ngập vào vùng núi Hun (Chí Linh) ẩn náu. Ba lần Dương Tam Kha sai Dương Cát Lợi về bắt Ngô Xương Ngập nhưng nhờ có Phạm Lệnh Công che chở, Ngô Xương Ngập đã thoát khỏi sự truy đổi của Dương Tam Kha. Năm 951, Ngô Xương Văn giành được ngôi vua, cho người về làng Trà Hương đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng cai quản đất nước.

Để tỏ lòng thành kính, sau khi Phạm Lệnh Công mất, nhà vua đã cho lập đền thờ tại quê nhà Trà Hương của ông; các đời vua sau đều phong sắc cho ông. Nhân dân đã suy tôn ông làm thành hoàng làng.

Qua thời gian, ngôi đền thờ ông đã chìm trong sự biến thiên của lịch sử. Còn ngôi đình hiện tại chưa có tài liệu xác định rõ được khởi dựng từ khi nào. Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 2 gian đại bái và 3 gian hậu cung, chất liệu được xây bằng bê tông cốt thép, kèo cầu, hoành dui bằng gỗ tứ thiết, mái lợp ngói mũi truyền thống, đao 4 góc hình rồng mềm mại, bờ nóc chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. 

Hằng năm, vào ngày 11 và 12 tháng giêng, nhân dân địa phương lại mở hội đình làng Thụy Trà để ôn lại công trạng của tướng quân Phạm Lệnh Công. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước sắc thành hoàng. Nét đặc sắc trong lễ hội đình Thụy Trà là kết thúc lễ hội có nghi thức đốt thuyền rồng mã.

Cụ Nguyễn Thị Nhâm, người làng Thụy Trà kể lại: “Tục đốt thuyền rồng mã được các cụ từ xa xưa truyền lại để tưởng nhớ trận Bạch Đằng năm 938, trong đó có công lao to lớn của võ tướng Phạm Lệnh Công. Tục lệ đốt thuyền rồng mã còn mang ý nghĩa đem lại sự ấm lo tốt lành cho bà con trong năm mới''. Trong lễ hội còn có các trò chơi dân gian  như đi cầu thùm, bắt vịt, đấu vật, cờ tướng…

HƯƠNG THỦY