Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng

Tin tức - Ngày đăng : 06:01, 21/06/2019

Vượt qua thời gian, đến nay những giá trị của sự nghiệp báo chí cách mạng Hồ Chí Minh vẫn tỏa sáng, là tài sản vô giá đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là với những người làm báo.

Với Bác, viết báo để thực hiện mục tiêu cao nhất là cứu nước

Có thể nói sự nghiệp hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn gắn liền với báo chí cách mạng. Ngay từ năm 1919 khi còn ở Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đã đến với báo chí có một mục tiêu duy nhất là kết án chủ nghĩa thực dân, đòi quyền độc lập và tự do cho tất cả những người nô lệ da màu trên các lục địa, trong đó có quê hương, Tổ quốc mình. Bài báo đầu tiên Người viết "Tâm địa thực dân" đăng trên báo L'Humanite' ngày 2.8.1919 ký tên Nguyễn Ái Quốc vạch trần thủ đoạn áp bức, bóc lột của đế quốc thực dân, kêu gọi đấu tranh của thợ thuyền và những người bị áp bức bóc lột. Bài báo có đoạn: "Họ đang bóc lột, đày đọa người bản xứ, sống sung sướng bằng mồ hôi của dân thuộc địa, chủ nghĩa thực dân đẩy dân bản xứ vĩnh viễn ngập trong cảnh nô lệ". Trước đó, Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách của nhân dân Việt Nam tới hội nghị Versailles vào ngày 28.6.1919 và đã đăng báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp số ra ngày 18.6.1919, kèm theo lời của tòa soạn: "Là những người xã hội chủ nghĩa trung thực, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc, chúng tôi ủng hộ sự phản đối của những người Việt Nam, nạn nhân của tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp". 

Viết báo để thực hiện mục tiêu cao nhất của mình là cứu nước. Nguyễn Ái Quốc nói: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". Nguyễn Ái Quốc tiếp tục viết báo, cộng tác với các báo: Nhân đạo, Dân chúng, Đời sống, Thợ thuyền. Cùng Hội Những người yêu nước bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc chủ trì ra báo Người cùng khổ (Le Paria). Đối tượng đọc lúc này chủ yếu là người Pháp. Vì thế, Nguyễn Ái Quốc vẫn mong muốn ra được báo bằng tiếng Việt để gửi về nước cho đồng bào đọc. Cùng với Le Paria, Nguyễn Ái Quốc còn ra thêm tờ báo Việt Nam hồn bằng tiếng Việt với lời mở đầu: "Cũng vì nghĩ thế/ Tôi muốn làm ra/ Một tờ báo tiếng ta/ Cho đồng bào đọc"... Ngoài viết báo, Nguyễn Ái Quốc còn viết truyện ngụ ngôn để đăng báo. Với hai ngôn ngữ Pháp, Việt, Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí cách mạng sau này.

Tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản III họp ở Moskva (17.6 - 8.7.1924) trong tham luận của mình, Nguyễn Ái Quốc nói: "Báo chí cộng sản có nhiệm vụ giới thiệu với các chiến sĩ của chúng ta những vấn đề thuộc địa, thức tỉnh quần chúng lao động ở các nước thuộc địa, tranh thủ họ vì sự nghiệp chủ nghĩa cộng sản".

Ý thức được tầm quan trọng rất to lớn của báo chí cách mạng, với tầm nhìn xa rộng, năm 1925 Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) và Người quyết định ra báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Báo Thanh niên ra được 88 số gửi về nước làm tài liệu tuyên truyền đấu tranh cách mạng. Tháng 12.1926, Bác lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nhân dân nước ta, tháng 2.1927 ra báo Lính cách mệnh (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay). Bác cho ra đời tạp chí "Đỏ" xuất bản ngày 3.8.1930 nhân sự kiện chính trị trọng đại thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời Bác trực tiếp viết bài và chỉ đạo các báo Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta. Bác cũng cho đổi tên báo Đồng thanh thành tờ báo Thân ái. Đầu năm1941, Bác về nước chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, cho thành lập báo Việt Nam độc lập (năm 1941), báo Cứu quốc (năm 1942). Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2.1951), báo Sự thật đổi tên thành báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác viết 1.205 bài đăng trên các số báo Nhân Dân qua các thời kỳ với 23 bút danh khác nhau. Với đức tính khiêm tốn, Bác chưa một lần nhận mình là nhà thơ nhưng tự nhận mình là nhà báo: "Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận, gọi là nhà tuyên truyền tôi cũng không tranh cãi, nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất". Bác là người đầu tiên đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là nhà báo lỗi lạc của nền báo chí ấy. Sự nghiệp báo chí của Người góp phần quan trọng làm nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ oanh liệt và hào hùng.

Tháng 4.1959, tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác chỉ rõ: "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ...". Tháng 9.1962, Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác căn dặn ân cần: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...". 

Vâng theo lời dạy bảo ân cần của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Cả nước có hàng trăm tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương, địa phương với hàng nghìn nhà báo sử dụng các phương tiện hiện đại của báo chí, truyền thông. Rất nhiều cơ quan báo chí đã áp dụng phương thức đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp báo chí đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. 

Cùng với sự lớn mạnh, trưởng thành của báo chí cả nước, báo chí Hải Dương cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ báo Công Nông - tờ báo cách mạng đầu tiên của tỉnh xuất bản giữa năm 1933 ở ấp Dọn (xã Thái Dương, Bình Giang) do đồng chí Nguyễn Lương Bằng sáng lập, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí của Đảng phát triển mạnh mẽ. Cùng việc phát hành báo chí của Trung ương, của Quân khu 3, đầu năm 1945 Tỉnh ủy ra tuần san phát hành 500 bản mỗi kỳ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, tỉnh ta ra báo Khói lửa, nội san Quyết thắng, Tiếng gọi; Ty Thông tin có Tin tưởng; báo Thanh niên của Đoàn Thanh niên cứu quốc, báo Xung phong của thiếu niên huyện Ninh Giang. Đặc biệt báo Khói lửa và báo Xung phong được Bác gửi thư khen năm 1948.

Đến nay, Hải Dương có một đội ngũ báo chí khá hùng hậu. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, 12 Đài phát thanh huyện, thành phố và các đài truyền thanh xã, phường cùng với gần 10 tạp chí, bản tin của các sở, ngành với kỹ thuật in ấn, phát sóng hiện đại, gần 200 nhà báo thường xuyên tác nghiệp, kịp thời  phản ánh những gương người tốt, những điển hình tiên tiến, cách làm hay trong lao động, học tập, sản xuất và đời sống. Nhiều bài viết có chất lượng cao đi sâu phân tích về cơ chế chính sách, cải cách hành chính, tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Báo chí còn kịp thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, đấu tranh phản bác những tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, tạo dựng niềm tin của người dân đối với báo chí Hải Dương ngày một cao.

Thực hiện quy hoạch báo chí của Chính phủ, Hải Dương đã và đang sắp xếp, kiện toàn các cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của báo chí trong giai đoạn cách mạng hiện nay, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong tỉnh tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách viết báo Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.

VŨ HOÀNG LUYẾN