Bạn đọc với báo Đảng

Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 08:10, 21/06/2019

Vừa là bạn đọc, vừa là cộng tác viên của báo Hải Dương, tôi thấy những năm qua, tờ báo ngày càng đổi mới, cải tiến, tạo sự thu hút, hấp dẫn đối với bạn đọc.

Hằng năm Báo Hải Dương tổ chức gặp mặt cộng tác viên tiêu biểu và thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm

Phát triển báo điện tử - cải tiến báo in

Theo dõi báo Hải Dương, tôi và nhiều bạn đọc trong, ngoài tỉnh đều rất vui trước sự phát triển nhanh, chắc chắn của tờ báo theo hướng xoay trục phát triển báo điện tử, cải tiến báo in. Đến nay, ngoài ấn phẩm báo in Hải Dương thời sự, Hải Dương cuối tuần, còn có Hải Dương online (gồm cả Hải Dương Media, Hải Dương Văn nghệ, Hải Dương News). Trong đó, mỗi ấn phẩm báo in vẫn giữ mức phát hành trên dưới 10.000 bản/kỳ và số lượt truy cập báo điện tử ngày một tăng lên.

Điều đáng mừng là trong thời đại các phương tiện truyền thông điện tử phát triển mạnh, báo in ở không ít nơi có xu thế chững lại thì báo Hải Dương vẫn tương đối ổn định. Theo tôi nghĩ, kết quả đó có được là do báo Hải Dương luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích tờ báo và vận dụng sáng tạo cách thể hiện các chủ trương chính sách, nhiệm vụ chính trị của địa phương lồng vào các sản phẩm báo chí. Bên cạnh những chuyên mục mới ở báo thời sự, để giảm thiểu khô cứng, ấn phẩm Hải Dương cuối tuần có kết cấu nội dung và hình thức đa dạng, sinh động, hấp dẫn… duy trì nhiều thể loại tản văn, báo chí, văn học - nghệ thuật gần gũi với đời sống, đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo cũng như nhu cầu thưởng thức văn hóa của các đối tượng bạn đọc, lứa tuổi.

Với dung lượng như hiện nay, mỗi năm Hải Dương cuối tuần đã chuyển tải hàng chục truyện ngắn, tản văn, hàng trăm bài thơ, bài bình luận văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật… Điều đáng chú ý là nội dung, chủ đề các tác phẩm đều lành mạnh, trong sáng, hình thức đẹp. Đó cũng là cách Hải Dương cuối tuần nói riêng và báo Hải Dương nói chung thu hút ngày càng nhiều người đọc và truy cập, không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn cả những người ở nước ngoài.

NGUYỄN THẾ
(Câu lạc bộ Nhà báo cao tuổi tỉnh)

Báo chí cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về người tốt, việc tốt

Nghe đài, đọc báo, xem ti vi, mỗi khi đến chuyên mục “Việc tử tế”, rất nhiều người chăm chú. Thường có bình phẩm, khen ngợi hoặc tỏ rõ cảm xúc. Những việc làm tử tế đã gây xúc động lòng người. Như chuyện một chị lao công ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) nuôi 4 con nhỏ, gia cảnh khó khăn nhưng không màng của rơi đã trả lại 11 triệu đồng cho người bị mất. Một bác lái xe taxi Mai Linh trả hàng chục ngàn yên cho khách nước ngoài bỏ quên. Một ông già hằng ngày tình nguyện ra đường quét, thu lại hàng cân đinh do kẻ xấu rắc ra đường...

Ở huyện Thanh Hà có câu chuyện xúc động. Đó là một thương binh nặng đã vào tuổi thất tuần, hằng ngày vác máy đi quay những hình ảnh đẹp đẽ của quê hương. Rồi về nhà cặm cụi làm thành video, lồng nhạc, viết lời bình đưa lên mạng xã hội cho cộng đồng xem, với một ý tưởng muốn cho mọi người biết về cuộc sống đổi thay của làng quê...

Những thông tin về việc tốt, người tốt ấy như giọt mưa dầm, thấm mãi cũng thành những dòng nước mát tưới cho những vườn cây xanh. Đó là niềm tin của con người vào đời sống.

Trên các kênh truyền thông, báo chí đều có những chuyên mục như thế. Đất nước đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, bên cạnh những thắng lợi căn bản, làm giàu đất nước, đây đó còn những sơ hở để sâu mọt đục phá nền kinh tế, cản trở bước đi lên. Nhưng không thể phủ nhận trong xã hội vẫn ngày ngày xuất hiện nhiều tấm gương lao động sáng tạo, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho đơn vị hoặc cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho con người. Báo chí cần kịp thời phát hiện biểu dương những điển hình ấy.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tuyên truyền nhân rộng những người tốt, việc tốt. Từ năm 1959, Người đã nghĩ tới việc thưởng Huy hiệu của Bác cho ai được nêu gương tốt. Đọc báo Nhân Dân, hay bản tin Thông tấn xã Việt Nam… Bác thường ghi mực đỏ bên cạnh “kiểm tra, thưởng một huy hiệu”, rồi gửi tặng nhân vật được biểu dương trên báo. Bác đã đi xa 50 năm rồi mà nhiều người vẫn còn lưu giữ được tấm huy hiệu đó, coi như một phần thưởng quý giá trong cuộc đời mình.

Bác từng đề nghị các báo mở mục “Người mới, việc mới”, rồi sau này là “Người tốt, việc tốt”. Cái thuật ngữ ấy chính là Bác để lại cho báo giới hôm nay.

Những năm gần đây, thực hiện di chúc của Người, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã chú ý đưa tin bài về những tấm gương người tốt, việc tốt với lượng bài nhiều hơn. Trên báo Hải Dương cũng có mục "Người tốt, việc tốt" hay "Nét đẹp xứ Đông" ở trang 4 báo in; mục "Việc tử tế" trên báo Hải Dương điện tử. Báo đã giới thiệu nhiều tấm gương tiêu biểu như "Hành động đẹp của cô giáo Triệu Thị Khuyên" trên báo Hải Dương điện tử ngày 2.4.2019. Cô giáo của Trường THPT Bình Giang đã mang gần 30 chiếc áo mưa tặng cho các học sinh khối 10 và 11 khi trời mưa to. Hay bài "Ấn tượng đẹp với các bạn Lào" trên báo Hải Dương điện tử ngày 6.6.2019 viết anh Phan Mạnh Hà ở nhà số 144, phố Tuy Hòa (TP Hải Dương) trả lại chiếc nhẫn bằng vàng cho một công an Lào sang công tác ở Hải Dương không may làm rơi. Nhiều tin bài về người tốt, việc tốt được mạng xã hội cập nhật đưa lên, tạo thành làn sóng lan tỏa trong đời sống. 

Xin lấy câu nói của Bác để cùng nhau suy ngẫm: “Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có… Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới".

Nghệ sĩ Ưu túKHÚC HÀ LINH
Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hải Dương

Nhờ báo tìm thấy hài cốt liệt sĩ

Tháng 7.1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, lúc đó tôi đang làm ở Báo Hải Dương, có viết bài "Kỷ niệm ngày như một nén nhang" trên tờ phụ san cuối tháng của báo (sau này là báo Hải Dương hằng tháng). Bài báo kể về sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Phạm Tiến Duy, quê ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng). Một đêm không trăng năm 1966, đoàn xe vận tải quân sự của chúng tôi được lệnh chuyển hàng ra mặt trận phía tây nước bạn Lào. Trong lửa đạn và pháo sáng của máy bay địch, xe đồng chí Phạm Tiến Duy lái bị lật nhào và anh đã hy sinh. Phạm Tiến Duy lúc đó đã có vợ và 4 con ở quê nhà. Chúng tôi mai táng anh trong nghĩa trang liệt sĩ mặt trận đường số 7 Cánh Đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng.

Mấy chục năm sau tôi vẫn canh cánh mãi về sự ra đi của người liệt sĩ đồng hương Phạm Tiến Duy. Như có sự thúc giục của con tim, hai mươi năm sau tôi viết bài báo tưởng niệm về anh. Báo vừa ra được hai ngày thì có một cô gái xưng tên Thủy làm ở Bưu điện tỉnh đến tìm tôi. Thủy nói: "Cháu là con dâu của bố Duy. Gia đình cháu đã bao năm cất công đi tìm tung tích của bố cháu nhưng đến nay gần như vô vọng. May quá hôm qua cháu đọc được bài báo của chú. Cả nhà mừng rơi nước mắt. Chú làm ơn chỉ giùm nơi mai táng bố cháu".

Báo cáo với Ban Biên tập, chúng tôi chỉ đường cho cháu, gợi ý vài ba phương án bởi liệt sĩ Duy đang nằm trên đất nước bạn. Hơn nữa mấy chục năm rồi, thời gian đã xóa nhòa đi mọi thứ. May thay trời đất run rủi, nhờ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, hài cốt Phạm Tiến Duy đã được cất bốc về nghĩa trang quốc tế Anh Sơn (Nghệ An). Hài cốt anh gần như nguyên vẹn. Chiếc lọ penicillin gắn chặt trong đó còn lưu giữ mảnh giấy ghi tên tuổi, quê quán, ngày tháng anh hy sinh.

Sau đó, lễ truy điệu Phạm Tiến Duy cùng với 4 liệt sĩ khác được tổ chức trang trọng tại hội trường Tỉnh ủy Hải Dương. Bây giờ anh đang yên nghỉ tại nghĩa trang xã Cẩm Văn quê nhà.

NGUYỄN NGỌC SAN
(xã Trường Thành, Thanh Hà)

Nơi tiếp sức sáng tạo

Đã 23 năm trôi qua cùng 23 mùa hoa phượng nở, nhân vật học trò mà tôi viết trong bài báo đầu tiên gửi tới báo Hải Dương năm ấy giờ có lẽ đã là những người trưởng thành, đều đã lên cha lên mẹ. Không biết mỗi mùa hè về nhìn hoa phượng đỏ, các bạn ấy có nhớ tuổi học trò của mình, còn tôi thì chưa bao giờ quên vì các bạn ấy vô tình đã đi vào bài viết của mình để lần đầu tiên tôi có bài được in trên báo Hải Dương.

Hồi ấy, tôi đang học năm thứ hai Khoa Ngữ văn (niên khóa 1995-1998) Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Trong một lần đi kiến tập, có một chuyện khiến tôi phát hoảng, đó là lúc gọi học trò mang vở lên để kiểm tra, giữa những trang giấy tôi phát hiện có một bức thư tình dài cả hai trang giấy với những lời lẽ hết sức mùi mẫn. Đó là lá thư của một cậu học trò gửi cho người bạn gái cùng tổ. Lá thư đã được khéo léo giữ lại và giải quyết thật tế nhị. Tôi đã viết câu chuyện đó với mong muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng con để uốn nắn, dạy bảo các con đi đúng hướng.

Chưa đầy hai tháng sau, trước khi vào tiết dạy, cô giáo thông báo: "Có bài báo “Lá thư của học sinh lớp7” của sinh viên trường ta, các em có biết của ai không, tòa soạn nhờ cô cầm hộ nhuận bút hai mươi nghìn". Chỉ còn thiếu nước là tôi hét lên vì sung sướng bởi lần đầu được đăng báo Hải Dương, lại được rất nhiều tiền (hồi ấy hai mươi nghìn không hề nhỏ, nhất là với sinh viên nghèo như chúng tôi). Niềm vui làm tôi lâng lâng cả tuần, rồi tôi tiếp tục viết, gửi đi.

Thời gian trôi qua, công việc, gia đình cứ cuốn tôi đi. Thỉnh thoảng nhớ lại ước mơ viết văn ngày nào cảm thấy lòng mình lại rung lên khắc khoải, đau đáu. Tôi sắp xếp thời gian để cầm bút viết nhiều hơn, viết lên ước mơ của mình, biết đâu có bài lại được đăng báo. Đầu tiên là vài bài thơ, tản văn được báo Hải Dương chọn đăng. Rồi kế đến là bài: “Người thầy dạy môn Hán Nôm” viết về thầy Nguyễn Đình Kế (Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương) được đăng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Đã hơn chục năm ra trường tôi không hề liên lạc với thầy, vậy mà chỉ mấy hôm sau báo đăng thầy gọi điện cho tôi. Hóa ra thầy đã ra tòa soạn báo để xin số điện thoại của tôi. Ngạc nhiên vô cùng, tôi thốt lên: "Thầy quen tòa soạn ạ, em được tòa soạn chọn đăng mấy bài nhưng đi qua cổng tòa soạn chỉ dám nhìn vào chiêm ngưỡng như thánh đường chứ em chẳng dám vào bao giờ". Tôi đã gặp lại thầy nhờ bài báo ấy.

Sau này, tôi tiếp tục được đăng thêm những truyện thiếu nhi. Những người mới chập chững tập viết như tôi lạ lắm, cứ mỗi khi được báo đăng một bài thì lại dâng trào cảm hứng có thể viết được bài tiếp theo, nhưng nếu lâu lâu không được đăng là cảm hứng sáng tác cũng bay đi đâu mất. Để viết được như hôm nay, báo Hải Dương đã góp phần tiếp sức sáng tạo cho tôi đúng như thế. Khi có ý tưởng tôi viết nhanh lắm, có truyện thiếu nhi chỉ việc ngồi xuống gõ nửa tiếng đã xong. Những truyện như “Ba cây đa con”, “Cò con sải cánh”, “Chú ngựa đá”… từng đăng báo Hải Dương sau này tôi đã chọn in trong hai tập truyện thiếu nhi “Cánh thư bay” (Nhà xuất bản Dân trí) và “Thì thầm cùng giọt sương” (Nhà xuất bản Kim Đồng). 

Nhưng đến một hôm, tôi nhận được một cuộc điện thoại, kèm theo cả email của Ban Biên tập thông báo rằng từ nay báo Hải Dương hằng tháng không còn mục truyện thiếu nhi vì ít bạn đọc chú ý tới mục này, còn ân cần nhắc tôi chuyển sang viết truyện ngắn dành cho người lớn. Tôi bắt đầu dành thời gian tập viết truyện cho người lớn, báo Hải Dương cuối tuần cũng đã ưu ái đăng cho tôi nhiều hơn, càng tạo động lực cho tôi sáng tác, rèn giũa bút lực. Trong năm 2018, tôi đoạt giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn trên báo Văn Nghệ (giai đoạn 2015-2017) với truyện ngắn “Mùa rươi” và giải ba Quỹ nhà văn Lê Lựu với truyện ngắn “Ra đồng gặp một người”, đều khai thác đề tài làng quê xứ Đông. Bản thân tôi biết rằng báo Hải Dương đã gián tiếp góp phần cho kết quả ấy của tôi vì đã dang rộng tay đón, gieo những "hạt văn" đầu tiên của tôi để nảy mầm. 

NGUYỄN THU HẰNG
Giáo viên Trường THCS Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)

Lựa chọn đầu tiên

Vừa là bạn đọc, vừa là cộng tác viên của báo Hải Dương, tôi thấy những năm qua, tờ báo ngày càng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng cả về nội dung, hình thức, đã tạo sự thu hút, hấp dẫn đối với bạn đọc. Với tôi, hằng ngày nhận nhiều loại báo nhưng trước tiên phải xem ngay báo tỉnh nhà, nắm bắt tình hình thời sự hằng ngày của địa phương. Các ấn phẩm báo thời sự, báo cuối tuần, các số báo đặc biệt, rồi các chuyên mục có bố cục hợp lý với nhiều thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước, quốc tế. Đặc biệt, báo Hải Dương cuối tuần có hình thức đẹp, các chuyên mục rất phong phú. Các ấn phẩm đã thông tin kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đồng thời, báo đã nêu và phê bình không ít tệ nạn xã hội, nhất là về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường hằng ngày kịp thời, góp phần tuyên truyền, ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ gia đình, thôn xóm, khối phố, cũng như trong xã hội. Báo gợi lại cho bạn đọc theo dòng lịch sử những nét đẹp văn hóa truyền thống của những miền quê trong tỉnh, trong nước...

Tôi thấy đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên như những con ong chăm chỉ, cần mẫn với công việc để tạo ra những sản phẩm kịp thời cho từng số báo, bảo đảm định hướng chính trị và tính thời sự. Tôi rất mến phục các đồng chí tuy bận công việc chuyên môn nhưng vẫn bình tĩnh, điềm đạm, vui vẻ, cởi mở, dành thời gian đón tiếp cộng tác viên và trao đổi kinh nghiệm, góp ý để có tin, bài, ảnh chất lượng tốt hơn.

Tin rằng với nền tảng sẵn có về tinh thần cách mạng của "người chiến sĩ cầm bút" trên mặt trận tư tưởng, Báo Hải Dương thường xuyên và liên tục cải tiến, đổi mới để tờ báo tỉnh nhà đẹp mãi, có nhiều nội dung phong phú, là món ăn tinh thần hấp dẫn nhiều bạn đọc gần xa. 

VĂN TIẾN
(xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng)