Thủ thuật xóa dấu vết ''made in China'' của Asanzo
Kinh tế - Ngày đăng : 10:56, 23/06/2019
Công đoạn sản xuất tại Công ty CP điện tử Asanzo thực chất là lắp ráp linh kiện từ Trung Quốc
Sau khi chứng minh hàng loạt công ty nhập đồ điện gia dụng hiệu Asanzo từ Trung Quốc, chúng tôi tập trung làm rõ tivi và máy lạnh nhãn hiệu Asanzo bán trên thị trường có phải là hàng Việt, xuất xứ Việt Nam như Asanzo công bố?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã theo hàng trăm container từ Trung Quốc về Việt Nam và "đột nhập" vào tận nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc, Tân Bình (TP Hồ Chí Minh)...
Đường đi của container đến từ Trung Quốc
Trong những tháng đầu năm 2019, chúng tôi đã đeo bám hàng trăm container linh kiện tivi và máy lạnh từ Trung Quốc về cảng Cát Lái.
Ngày 8.4, nhóm phóng viên trực chiến tại cảng Cát Lái ghi nhận Công ty Lê Quang ở quận 12 và Công ty Văn Đoàn ở quận 7 làm thủ tục thông quan nhiều container linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc.
Để tránh bị mất dấu, chúng tôi đánh dấu ngẫu nhiên hai container số hiệu TEMU3434... và SEGU6321... của hai công ty này để bám theo.
Hơn 8 giờ sáng 9.4, xe chở container số hiệu TEMU3434... rời cảng Cát Lái chạy thẳng đến nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc. Một nhóm công nhân túa ra khuân vác thùng cactông vào trong.
Trong container này có 6 loại linh kiện lắp ráp tivi do Công ty Xin Ying Global bán cho Công ty Lê Quang, được xếp lên tàu RHL ASTRUM tại cảng Nansha ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc.
Đến 17h cùng ngày, container số hiệu SEGU6321... của Công ty Văn Đoàn cũng về tới nhà máy Asanzo Vĩnh Lộc. Vận đơn DCSZ190400... thể hiện container này được xếp lên tàu CASTORN tại cảng Shekou (Thẩm Quyến, Trung Quốc).
Bên trong container chứa 402 tấm panel LCD do Công ty Hong Kong Kangguan Technology cung cấp.
Theo điều tra của chúng tôi, trong bốn tháng đầu năm 2019, Công ty Lê Quang đã nhập hàng trăm ngàn linh kiện lắp ráp tivi từ các công ty Trung Quốc. Còn Công ty Văn Đoàn nhập hơn 128.000 linh kiện tivi, chủ yếu là tấm panel LCD.
Tương tự với máy lạnh cũng là hàng Trung Quốc. Tập đoàn điện tử Asanzo công bố trong mùa cao điểm nắng nóng 2019 này đã bán ra thị trường hơn 160.000 bộ máy lạnh Asanzo.
Linh kiện máy lạnh từ đâu ra trong khi Asanzo không sản xuất linh kiện? Chúng tôi chia nhiều mũi truy tìm nguồn cung cấp cho Asanzo.
Mũi trực chiến tại cảng Cát Lái ghi nhận ngày 24-4, Công ty Trần Thoàn thông quan 6 container chứa linh kiện máy lạnh gồm: cục nóng, dàn ngưng tụ, môtơ nén do Công ty Ningbo Aux Import & Export cung cấp.
Tiếp đó, ngày 31.5 và 1.6 công ty này thông quan tiếp 5 container linh kiện máy lạnh. Các container này xuất phát từ cảng Ningbo, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đến cảng Cát Lái.
Bám theo các xe chở container này từ lúc rời cảng, chúng tôi ghi nhận hầu hết đều được đưa về nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc.
Vậy là đã rõ, hầu hết các container hàng hóa từ Trung Quốc nhập về đều có một điểm đến, đó là nhà máy Asanzo ở KCN Vĩnh Lộc. Vậy Asanzo làm gì với số linh kiện khổng lồ này trước khi đưa sản phẩm hoàn chỉnh ra thị trường?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã vào nhà máy Asanzo để tìm câu trả lời...
“Tổng hành dinh” Asanzo tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) với nhà máy sản xuất nhưng thực chất chỉ là xưởng lắp ráp tivi
Trong nhà máy Asanzo có gì?
Đầu tháng 4.2019, trước cổng nhà máy Asanzo có thông báo tuyển lao động, chúng tôi liền nộp đơn xin việc. Bốn ngày sau, một phụ nữ tên Kiều gọi điện hẹn đến nhà máy Asanzo tại KCN Vĩnh Lộc phỏng vấn.
Mặc dù cố ý nói không biết gì về điện, chưa từng mở thiết bị điện tử nhưng chúng tôi vẫn trúng tuyển. Thời gian thử việc hai tháng, lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Một thanh niên trực tiếp tuyển dụng nói công việc rất đơn giản, chỉ cần gắn các linh kiện nhỏ và vặn ốc vít nên không cần kinh nghiệm hay bằng cấp chuyên môn điện tử.
Bà Kiều tách chúng tôi thành hai nhóm làm việc ở KCN Tân Bình và KCN Vĩnh Lộc. Trong đó, nhà máy ở KCN Vĩnh Lộc được xem là tổng hành dinh của Asanzo.
Ngày đầu tiên vào nhà máy, chúng tôi được một người quản lý tên Phúc đưa bản cam kết ghi 12 điều quy định bắt đọc và ký tên. Trong đó điều thứ 10 nghe có vẻ nghiêm trọng: "Bảo vệ tài sản và bí mật công nghệ của công ty. Giữ bí mật các sản phẩm của công ty. Không mang bất kỳ sản phẩm, tài liệu kinh doanh nào ra khỏi công ty".
Nói là nhà máy cho hoành tráng, thực ra đây chỉ là xưởng lắp ráp có khoảng 12 chuyền và trên dưới 200 công nhân.
Làm việc thời gian khá dài nhưng chúng tôi không hề thấy nhà máy sản xuất bất cứ linh kiện nào. Hỏi các công nhân làm lâu năm, họ nói linh kiện nhập từ Trung Quốc đưa về đây lắp ráp chứ không có sản xuất.
Chúng tôi được bố trí vào chuyền số 1 học việc duy nhất một ngày rồi đứng làm như những công nhân khác. Tại mỗi chuyền đều có một xấp tài liệu hướng dẫn quy trình lắp ráp tivi của Asanzo.
Theo đó, chỉ có 6 bước để "sản xuất" một chiếc tivi.
Bước 1: lấy panel LCD từ trong thùng ra đặt lên chuyền và lắp bảng mạch vào. Bước 2: gắn dây tín hiệu, dây LED, dây nguồn và cáp vào bảng mạch và panel. Bước 3: kiểm tra và gắn nắp lưng. Bước 4: bắn ốc vít. Bước 5: kiểm tra tổng thể chiếc tivi. Bước 6: vệ sinh và dán tem.
Ngay khi lấy tấm panel LCD ra khỏi thùng cactông đặt lên chuyền bắt đầu quy trình "sản xuất", chúng tôi nhìn thấy ở góc phải, bên dưới có dán một tem sườn hình chữ nhật (dán ở cùng vị trí và có cùng kích thước với chiếc tem bị rách trong tivi Asanzo mà chúng tôi đã mua ở một siêu thị điện máy trước đó).
Trên tem sườn in thông tin model, mã số panel LCD. Đặc biệt là dòng chữ in hoa "made in China" ngay phía trên mã vạch.
Theo Tuổi trẻ