Vì sao đò Cổ Lôi bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động?

Tin tức - Ngày đăng : 15:31, 24/06/2019

Đò Cổ Lôi nối hai khu của thôn 1, xã Vạn Phúc (Ninh Giang).

Đò Cổ Lôi xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua sông

Cuối tháng 5 vừa qua, Ban An toàn giao thông huyện Ninh Giang đã đình chỉ hoạt động của đò do không bảo đảm an toàn và hết giấy phép hoạt động.

Ban An toàn giao thông huyện yêu cầu xã Vạn Phúc phải sửa chữa, bảo dưỡng đò để bảo đảm an toàn theo quy định. UBND xã Vạn Phúc phải cải tạo, nạo vét, khơi thông phần đất bùn bồi lắng hai bên lưỡi đò để bảo đảm thuận lợi cho người và phương tiện khi qua sông. Thời gian đình chỉ từ ngày 28.5 cho đến khi có đầy đủ điều kiện bảo đảm an toàn trong lĩnh vực đường thủy nội địa thì đò mới được hoạt động trở lại.

Mặc dù bị đình chỉ gần 1 tháng nay nhưng đò Cổ Lôi vẫn hoạt động bình thường. Đò làm bằng sắt đã lâu, thân đò đã bị han gỉ, được chèo bằng tay. Trên đò không được trang bị áo phao và dụng cụ ứng cứu cần thiết khi xảy ra sự cố. Bến đò hai bên bị bồi lắng khiến đò ra vào gặp rất nhiều khó khăn.

Theo người dân địa phương, hơn nửa thế kỷ trước, sông Cửu An thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được nắn dòng đã tách đôi thôn 1 của xã Vạn Phúc. 61 hộ dân của thôn 1 phải sống trong cảnh chia cắt, cách trở đò giang với phần còn lại của xã. Cùng trong một xã nhưng việc đi lại của người dân sống bên kia sông Cửu An giáp với xã Tân Hương rất khó khăn do qua sông, lụy đò. Nếu đò Cổ Lôi ngừng hoạt động, người dân bên này bờ sông muốn lên UBND xã phải đi vòng qua xã Tân Hương rồi ra quốc lộ 37, ngược cầu Ràm sang bờ bên kia sông Cửu An.

Mấy chục năm nay, trẻ em đi học, nông dân đi làm đều phải qua đò. Người dân muốn khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã hoặc có việc lên UBND xã đều phải qua đò Cổ Lôi. Con đò này là phương tiện chính để người dân sống bên kia sông Cửu An qua sông. 

Việc đi lại của người lớn đã bất tiện nhưng trẻ em thì rất nguy hiểm. Nhiều hôm nước chảy xiết, bèo tây dồn đặc vào hai bến, người lái đò không chèo được, người dân phải lội xuống sông, đẩy đò cho trẻ qua sông. Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ khi đi học, khoảng 3 năm trở lại đây, hơn 60 hộ dân của thôn 1 phải cho con đi học nhờ các trường của xã Tân Hương.

Theo anh lái đò Vũ Văn Hiện, trung bình mỗi ngày, đò Cổ Lôi chở khoảng 20 chuyến. Vào những ngày lễ, Tết hoặc ngày mùa, nhu cầu đi lại của người dân lớn, đò phải chở gấp hai đến ba lần. Không ai muốn chở đò vì công việc vất vả, phải trực cả ngày, đêm mà thu nhập lại thấp. 

Ông Vũ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết mặc dù đò Cổ Lôi bị đình chỉ hoạt động nhưng vì nhu cầu thiết yếu, phục vụ đi lại hằng ngày của người dân nên bến đò này vẫn phải hoạt động. Việc đi lại của người dân qua đò Cổ Lôi rất vất vả và nguy hiểm. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn, UBND xã vẫn trích một phần ngân sách để phục vụ hoạt động của đò. Hiện nay đò đã xuống cấp nhưng UBND xã chưa có điều kiện để sửa chữa, thay mới.

Hoạt động của đò Cổ Lôi là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương. Để bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện qua đò Cổ Lôi, đề nghị UBND huyện Ninh Giang ưu tiên bố trí kinh phí thay mới đò tay bằng đò máy hoặc hỗ trợ kinh phí sửa chữa đò.

LAN NGUYỄN