Không thể chỉ nói suông
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:52, 25/07/2019
Người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa. Xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Các cơ quan, đơn vị, các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần".
Một số cơ quan như Văn phòng Tỉnh ủy, Báo Hải Dương... đã thay thế chai nhựa đựng nước bằng các chai thủy tinh. Trước đó, một số cửa hàng, siêu thị cũng bước đầu chuyển sang sử dụng ống hút bằng cỏ để thay thế ống hút bằng nhựa, dùng lá chuối để gói thực phẩm thay vì dùng túi nilon. Tại nhiều địa phương, phong trào "làn xanh đi chợ" của Hội Phụ nữ cũng được đông đảo chị em hưởng ứng.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và từ thực tiễn, dường như mọi người dễ dàng nhận thức được tác hại từ rác thải nhựa cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường từ túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Những hành động hưởng ứng việc "nói không với rác thải nhựa" tại tỉnh ta tuy chưa nhiều song đã bước đầu cho thấy việc kêu gọi không còn chỉ là lời nói suông.
Tuy nhiên, để thay đổi thói quen đã hình thành nhiều năm của cả cộng đồng là việc không đơn giản. Khó là ở chỗ người tiêu dùng muốn từ chối túi nilon, bao bì nhựa không phải lúc nào cũng được. Ví dụ, hầu hết các hộp sữa tươi hiện nay đều được đóng theo "dây" (3-4 hộp/dây) bằng nilon. Mỗi hộp sữa đều có 1 ống hút bằng nhựa, ống hút này lại bọc nilon. Khi mà nhà sản xuất còn dùng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần thì người tiêu dùng không muốn cũng không được. Đó là chưa kể thị trường các sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Hiện nay, ngay tại TP Hải Dương, việc phân loại rác thải cũng chưa phổ biến. Thậm chí khi người dân có ý thức phân loại rác thì đơn vị thu gom cũng nhận các loại rác chung, chưa có sự phân biệt rác hữu cơ và vô cơ. Đây chính là những rào cản đối với việc chống rác thải nhựa.
Rõ ràng không thể chỉ nói suông với việc chống rác thải nhựa. Có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề này. Tại Ấn Độ, một trường học đã có sáng kiến nhận học phí bằng túi nilon và rác thải nhựa. Các chai nhựa dùng một lần đã được sử dụng như một loại vật liệu xây dựng. Còn tại một số nước châu Âu, đã có công ty thành công trong việc biến rác thải nhựa thành sản phẩm làm nhựa đường. Việc sản xuất các túi nilon tự hủy, túi nilon có nguồn gốc hữu cơ cũng là một giải pháp... Cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể từng bước giải quyết nạn rác thải nhựa tấn công Trái Đất.
Đối với Hải Dương, để lời kêu gọi chống rác thải nhựa không dừng lại ở vài hành động có tính minh họa, cần có cơ quan đầu mối về vấn đề này. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động nên có cơ chế khuyến khích các phát minh, sáng chế đối với việc xử lý rác thải nhựa theo hướng có lợi cho môi trường. Về lâu dài, cần có biện pháp mạnh hơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.
NGUYÊN ANH