Thỏa thuận hạt nhân Iran đang “thoi thóp”
Bình luận - Ngày đăng : 16:21, 31/07/2019
Chưa thể tháo gỡ bế tắc
Căng thẳng Mỹ - Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Ngay sau khi cho biết sẽ khởi động lại các hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak, cùng ngày 28.7.2019, Iran tuyên bố nước này đã làm giàu 24 tấn urani kể từ khi tham gia thoả thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới.
Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutoni, một nhiên liệu có thể dùng sản xuất các đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, nếu thông tin về 24 tấn urani được kiểm chứng thì điều đó có nghĩa là Tehran đã sản xuất urani làm giàu nhiều hơn trước đây và vượt nhiều lần so với giới hạn của thoả thuận.
Trước đó, hồi đầu tháng 7.2019, Iran cho biết đã sản xuất vượt giới hạn 300 kg urani làm giàu và bắt đầu làm giàu urani hơn giới hạn 3,67% nêu trong thỏa thuận (lên 4,5%). Vấn đề này sau đó đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận.
Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với nội dung cốt lõi là Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc quốc tế ngừng các biện pháp trừng phạt, hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế.
Ngày 8.5.2019, Iran tuyên bố sẽ giảm tuân thủ các cam kết trong JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Tehran cho rằng các nước còn lại trong thỏa thuận đã thất bại trong việc giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này.
Khả năng làm giàu urani và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng của Iran đều bị đặt dưới sự kiểm soát của JCPOA vì lo ngại Tehran có thể tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia đã coi lò phản ứng nước nặng Arak là một nguy cơ vì nó cho phép Iran sản xuất plutoni sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Thoả thuận hạt nhân JCPOA yêu cầu Iran đổ bê tông vào các đường ống của lò phản ứng, hoặc lõi - là một phần của việc thiết kế lại.
Trong bối cảnh leo thang căng thẳng đó, cuộc họp khẩn tại Vienna (Áo) ngày 28.7 giữa đại diện các quốc gia còn lại trong JCPOA là Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran đã không đạt được đột phá nào về vấn đề hạt nhân Iran. Mặc dù đã "tái khẳng định tiếp tục cam kết duy trì JCPOA" nhưng hội nghị lần này chưa thực sự mang lại điều gì mới mẻ, chưa thấy khả năng thế bế tắc sớm được tháo gỡ để cứu thỏa thuận đang "thoi thóp".
Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết trong JCPOA, sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không chỉ ra một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những đòn trừng phạt của Mỹ.
Tuyên bố mới của Iran về con số 24 tấn urani đã làm giàu có thể là một động thái cảnh báo từ phía Tehran rằng nếu các nước châu Âu tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Washington, thì JCPOA cuối cùng sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Hiệu ứng domino có xảy ra?
Tình trạng leo thang căng thẳng hiện nay xung quanh vấn đề hạt nhân Iran đang tạo ra quá nhiều mối đe dọa lớn theo kiểu hiệu ứng domino. Khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia cảnh báo khi mức làm giàu urani được nâng lên và lượng dự trữ cũng không ngừng gia tăng thì thời hạn một năm để Iran có đủ nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử cũng thu hẹp, dù Tehran đã khẳng định không có ý định chế tạo bom nguyên tử.
Đi kèm theo đó là nguy cơ về một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ, mà sức nóng chắc chắn lan rộng cả khu vực Trung Đông. Khi đó thì an ninh của châu Âu cũng chịu ảnh hưởng bởi mặc dù Liên minh châu Âu (EU) vẫn chủ trương bảo vệ JCPOA song dường như các nước EU chưa tìm được cách để "cân bằng" các lợi ích trong vấn đề này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mục đích của Iran khi tái khởi động chương trình hạt nhân của nước này không hẳn là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân, mà thực chất là để tạo thế cân bằng cho mình và yêu cầu gỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với Iran. Nền kinh tế của Iran phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế.
Ngành xuất khẩu dầu của nước này là nguồn thu ngoại tệ thiết yếu mà Iran cần có để nhập tới một nửa nhu cầu lương thực, thực phẩm của mình cũng như nhập nhiều sản phẩm công nghiệp không sản xuất được trong nước. Nhìn từ quan điểm chiến thuật, chiến lược của Mỹ nhằm đè bẹp kinh tế Iran bằng các lệnh cấm vận đang phát huy tác dụng. Iran đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế tới 6% và lạm phát hiện đang phi mã ở mức 50%.
Tehran vẫn biết rằng cần phải đối thoại với Mỹ hoặc gây sức ép với các nước khác tới mức có thể ra được những cơ chế mà từ đó đưa nước này thoát ra khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bằng việc đơn phương giảm bớt các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân và trở lại với chiến lược thách thức, Iran hy vọng EU nhanh chóng đưa ra một cơ chế đảm bảo cho thương mại của Iran hoặc khiến Mỹ phải cho phép miễn trừ trừng phạt với một số nước mua dầu của Iran. Sau đó, Iran sẽ tạo dần lợi thế của mình và chắc chắn sẽ đàm phán với Washington về chương trình hạt nhân hoặc các vấn đề khác.
Tuy nhiên, việc Iran mở rộng các hoạt động hạt nhân chắc chắn làm gia tăng khả năng đối đầu quân sự với Mỹ hay ít nhất cũng khiến các cơ sở chế tạo hạt nhân của Iran có thể bị Mỹ tấn công cục bộ. Nhưng tấn công như vậy cuối cùng lại châm ngòi cho một cuộc xung đột quy mô rộng hơn ở Trung Đông và lôi kéo thêm nhiều nước xung quanh vào một cuộc chiến phi nghĩa.
Theo TTXVN