Cơ hội mới đi lao động tại Nhật Bản

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 18:33, 06/08/2019

Mới đây, Việt Nam và Nhật Bản đã có Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để triển khai chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, xuất khẩu lao động tham gia tuyển chọn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương

Nhiều ngành nghề cần lao động

MOC có hiệu lực từ tháng 4.2019. Theo chương trình này, phía Nhật Bản sẽ cấp 2 loại visa kỹ năng đặc định (KNĐĐ) IvàII cho lao động nước ngoài.

Visa KNĐĐ loại I hiện cấp cho 14 ngành nghề gồm xây dựng, điện - điện tử, đóng tàu - hàng hải, nông nghiệp, hàng không, công nghiệp vật liệu, ngư nghiệp, dịch vụ ăn uống, vệ sinh các toà nhà, chế tạo máy, khách sạn, bảo dưỡng - sửa chữa ô tô, công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống, hộ lý. Visa KNĐĐ loại II hiện cấp cho 2 ngành xây dựng và đóng tàu - hàng hải.

Anh Hoàng Đạo ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn, xuất khẩu lao động cho biết tuy nhóm nghề được cấp visa KNĐĐ còn ít (14 trong tổng số 77 ngành nghề Nhật Bản cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài) nhưng đây chủ yếu là những ngành nghề đang thu hút nhiều lao động Việt Nam tham gia.

Nếu đủ tiêu chuẩn xét visa KNĐĐ loại I, người lao động sẽ được làm việc liên tục trong 5 năm tại Nhật Bản với mức thu nhập cao hơn thực tập sinh kỹ năng thông thường, có thể tương đương với chế độ lương của người Nhật Bản bản địa trong cùng một ngành nghề. Người lao động có thể thay đổi công ty nếu có lý do chính đáng. 

Người lao động đủ tiêu chuẩn được cấp visa KNĐĐ số II sẽ không bị giới hạn số lần gia hạn hợp đồng làm việc, được bảo lãnh người thân (vợ hoặc chồng, con) sang ở cùng, đồng thời có cơ hội lớn được cấp visa cư trú, sinh sống vĩnh viễn, không bị giới hạn về thời gian lao động và không cần gia hạn visa định kỳ tại Nhật Bản.

Hiện không ít người nghĩ rằng chương trình KNĐĐ chỉ dành cho người lao động đi theo chương trình thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình thực tập.

Nhưng chương trình này còn mở rộng nhóm đối tượng là du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản, thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật. Lao động phổ thông đủ điều kiện về mặt pháp lý theo quy định của Việt Nam và Nhật Bản thi đỗ kỳ thi tiếng Nhật và đỗ kỳ thi kiểm tra kiến thức, kinh nghiệm được quy định cũng đủ tiêu chuẩn cấp visa KNĐĐ.

Nhiều người lao động rất phấn khởi trước cơ hội này. Anh Cao Thế Anh ở xã Kim Lương (Kim Thành) sang Nhật Bản làm việc từ tháng 8.2016 theo diện thực tập sinh kỹ thuật ngành chế tạo máy. Anh đang làm việc tại TP Fukuyama thuộc tỉnh Hiroshima. Theo đúng hợp đồng, đến khoảng tháng 10 năm nay anh sẽ hết hạn cư trú phải về nước.

Giữa lúc công việc đang thuận lợi với mức thu nhập khá nên anh Thế Anh rất tiếc khi phải rời Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quy định của MOC, anh Thế Anh đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình KNĐĐ, cấp visa đặc định loạiI, với thời hạn cư trú tổng cộng 5 năm.

"Tôi sẽ tham gia chương trình này để ở lại Nhật Bản làm việc thêm một thời gian nữa. Đây là cơ hội để tôi có thu nhập cao hơn hẳn so với về quê nhà làm một công việc tương đương", anh Thế Anh cho biết.

Miền đất hứa

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn với người lao động nước ta. Thời gian gần đây, số lượng lao động sang Nhật Bản làm việc ngày càng tăng. Đối với Hải Dương, Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu. 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, số người tỉnh ta đi làm việc ở Nhật Bản những năm gần đây thường chiếm khoảng 40% tỷ lệ lao động tham gia xuất khẩu lao động. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có gần 3.000 người sang Nhật Bản làm việc.

Con số này thống kê từ các doanh nghiệp được phép xuất khẩu lao động và các chương trình tuyển thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản làm việc của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Theo anh Hoàng Đạo, nhiều người lao động chọn Nhật Bản vì có những yếu tố phù hợp cả về công việc lẫn thu nhập. Mức lương của lao động nước ta sang làm việc ở Nhật Bản thuộc loại cao so với các nước khác trong khu vực châu Á.

Chương trình thực tập sinh kỹ năng của Nhật không đòi hỏi quá cao về bằng cấp. Chỉ cần người lao động phổ thông đáp ứng đủ yêu cầu sức khỏe, được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và học tiếng Nhật bảo đảm đúng tiêu chuẩn là có thể đi được. Thủ tục để người lao động đi nước ngoài làm việc cũng thuận tiện và nhanh hơn trước rất nhiều.

NGỌC THANH