Cái đẹp cần được nhân lên

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:04, 09/08/2019

Hành động nén đau cho ngón tay vào miệng cháu bé để ngăn cháu cắn lưỡi của chiến sĩ công an là một hành động đẹp, vì dân phục vụ... Những hành động đẹp đó cần được nhân rộng trong xã hội.

Cuối tuần vừa qua, hình ảnh “nóng” nhất trên mạng xã hội được đông đảo người sử dụng chia sẻ là hai chiến sĩ cảnh sát cơ động bế cháu bé đang lên cơn co giật trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định) đi cấp cứu trong trận đấu vòng 19 Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2019 giữa chủ nhà Dược Nam Hà Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai.

Một chiến sĩ nén đau cho ngón tay vào miệng cháu bé để ngăn cháu cắn lưỡi với nét mặt rất đau đớn. Nhiều người rất mừng về hành động đẹp, mưu trí của một chiến sĩ Công an nhân dân được lan truyền nhanh chóng và rộng rãi thế. Nhưng ngay lập tức đã nổ ra những cuộc tranh luận về cách xử lý tình huống này. Bên cạnh những lời khen ngợi tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ là những lời chê các anh chưa biết cách cấp cứu đúng cho cháu bé, thậm chí tăng dần thành những lời mạt sát. Phía sau một hình ảnh đẹp đã lộ ra những bóng tối xấu xí đáng buồn.

Theo các bác sĩ, không nên cho bất cứ vật gì vào miệng người bị động kinh, co giật vì dễ đẩy dị vật vào sâu hơn và gây ngạt thở. Trong trường hợp này, việc cho ngón tay vào miệng nạn nhân dễ gây chấn thương và bị nhiễm trùng.

Sự việc này cho thấy những kiến thức y khoa phổ thông đúng chuẩn của ngành y chưa được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Không chỉ cấp cứu người lên cơn co giật, động kinh mà nhiều người cũng không biết cách xử lý trong các tình huống khẩn cấp dễ gặp trong đời sống hằng ngày như trẻ bị hóc, nghẹn, đuối nước, người bị đột quỵ, tai nạn giao thông… Vì thiếu kiến thức nên khi gặp người bị nạn, nhiều người không đủ tự tin để xử lý, giúp đỡ nên đành mặc kệ nạn nhân hoặc xử lý không đúng cách có thể gây ra những hậu quả tai hại.

Mỗi người nên tự trau dồi thêm kiến thức y khoa phổ thông để sử dụng cho mình cũng như tự tin giúp đỡ người khác. Ngành y tế và các cơ quan liên quan tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong chăm sóc sức khỏe, cấp cứu đúng cách. Khi hành động cứu người không chỉ dựa trên tinh thần trách nhiệm mà còn kết hợp với kiến thức, kỹ năng chuẩn xác thì hành động ấy thực sự hữu ích...

Song, thay vì tranh cãi về tính đúng - sai, tốt - xấu trong cách xử lý tình huống khẩn cấp này hãy nhìn nhận hành động của chiến sĩ công an vì dân phục vụ, sẵn sàng chịu đau đớn với ý nghĩ tốt đẹp là cứu cháu bé. Tinh thần ấy xứng đáng được động viên. 

LAM ANH