Tầm quan trọng của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh với xây dựng Đảng

Tin tức - Ngày đăng : 15:02, 12/08/2019

Sáng 12.8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm khoa học "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng."

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12.1966. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, chủ trì tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cho thế hệ sau khát vọng cháy bỏng và ý chí quyết tâm thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấn đấu để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ, giàu mạnh.

"Càng ngày chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị và tầm quan trọng đặc biệt của bản Di chúc đối với công tác xây dựng Đảng.

Đó là những căn dặn mang tầm nhìn vượt thời gian về yêu cầu phải xây dựng Đảng một cách toàn diện, thường xuyên liên tục cả về tư tưởng, tổ chức bộ máy. Về trách nhiệm của nhân dân, trách nhiệm của đảng trước nhân dân và dân tộc, về ý thức của một Đảng cầm quyền phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để luôn trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới hiện nay" - ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã gửi 20 bài tham luận và nêu nhiều ý kiến tới Ban Tổ chức. Các tham luận và ý kiến phát biểu đều thể hiện sự dày công nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh nói chung và Di chúc nói riêng, đặc biệt nhấn mạnh đây là công trình lý luận về xây dựng đảng và củng cố Đảng cầm quyền.

Các đại biểu được tiếp cận với Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc độ là một văn bản định hướng cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là cho công tác xây dựng Đảng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ba nội dung lớn: Một là, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Bác nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng vì đó là nguồn gốc sức mạnh của Đảng, đồng thời phòng ngừa sự chia rẽ, bè phái, làm suy yếu và mất sức chiến đấu của Đảng.

Hai là, phải phát huy dân chủ trong Đảng, tự phê bình và phê bình thường xuyên và nghiêm túc.

Ba là, nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng Đảng cộng sản cầm quyền là hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.

Trong Di chúc, khi viết về xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời viết về thế hệ trẻ. Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa "hồng" vừa "chuyên," có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh.

Người dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết," đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu khẳng định thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, trong suốt 50 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng chăm lo tự xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Nghị quyết Trung ương 23, khóa III (tháng 12.1974) về xây dựng Đảng đã tạo sức mạnh, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng.

Đại hội VI của Đảng (tháng 12.1986) là sự tự phê bình, phê bình nghiêm túc, một cuộc chỉnh đốn lớn để đi đến hoạch định đường lối đổi mới.

Hội nghị Trung ương 3, (khóa VII) (tháng 6.1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô.

Với thành quả của các chặng đường đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đánh giá: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của cán bộ, đảng viên.

Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng."

Có được thành quả đó, một yếu tố hết sức quan trọng là Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu, chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao.

Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn khá phổ biến ở các cấp.

Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức và lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" đang diễn ra trong nội bộ…

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nhấn mạnh: "Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ."

Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước… đang đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Cùng với đó, Đảng phải giữ vững bản chất cách mạng của mình, phải thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí và hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức, cán bộ; được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Theo các đại biểu, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, cần xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng là Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận vào thực tiễn Việt Nam trong điều kiện mới của thời đại.

Không ngừng bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao bản lĩnh chính trị và tinh thần độc lập tự chủ của Đảng.

Tăng cường sức mạnh tổ chức và tính kỷ luật của Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, uy tín và năng lực tổ chức, lãnh đạo, ngang tầm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức trong Đảng, ra sức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền của Đảng.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên và kiểm soát quyền lực.

THU PHƯƠNG (TTXVN)