Cơ hội hòa bình nào cho Afghanistan sau vòng đàm phán Mỹ-Taliban lần thứ 8?
Bình luận - Ngày đăng : 20:25, 14/08/2019
Vụ tấn công khủng bố ngày 11.9 do Osama Bin Laden chủ mưu
Một Afghanistan đầy bất ổn kể từ vụ 11.9
Kể từ sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001, Taliban - thế lực thống trị ở Afghanistan từ năm 1996 đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của Mỹ khi công khai chứa chấp trùm khủng bố quốc tế Osama Bin Laden.
Tháng 10.2001, chỉ vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9 do Osama Bin Laden chủ mưu, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Hai tháng sau, chính quyền Taliban ở Afghanistan đã chính thức bị loại bỏ.
Sau khi bị Mỹ lật đổ, Taliban đã tìm được nơi trú ẩn an toàn là Waziristan thuộc Pakistan, giáp với biên giới Afghanistan. Tại đây, Taliban dựa vào nguồn tài chính của tổ chức khủng bố Al Qadea và bắt đầu thực hiện chiến dịch “Taliban hóa”, nhằm chiêu mộ và huấn luyện thanh niên của các bộ lạc địa phương thành các tay súng và những kẻ đánh bom liều chết, dựng lên các trại huấn luyện quân sự... Và Taliban đã phát động làn sóng tấn công nổi dậy tại Afghanistan.
Có thể thấy, trong nhiều năm qua, Taliban đã trở thành vấn đề đau đầu không chỉ của chính quyền Afghanistan và Pakistan, mà còn là bài toán nan giải đối với chính quyền Mỹ, bởi nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây. Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, nhằm mở đường cho sự rút lui khỏi Afghanistan, chính quyền Mỹ đã ký với chính quyền Afghanistan Thỏa thuận An ninh song phương (BSA), theo đó, Mỹ kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại quốc gia Nam Á này vào tháng 12.2014 và chỉ duy trì một lực lượng gồm 13.000 binh sĩ để huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh sở tại trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ cũng kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và chỉ duy trì khoảng 3.000 binh sĩ đồn trú với nhiệm vụ hỗ trợ huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan.
Tuy nhiên, sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết quân chiến đấu về nước, Afghanistan đã rơi vào tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren, nhiều tổ chức khủng bố đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Các vụ khủng bố, tấn công liều chết của phiến quân và tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn xảy ra thường ngày. Phiến quân Taliban vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bản kiểm soát từ thành trì truyền thống của nhóm này tại miền Nam và miền Đông sang khu vực miền Bắc và tăng cường tuyển mộ binh lính.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1.2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. Tình hình an ninh xấu đi và xung đột tái diễn khiến người dân Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa để tới những nơi an toàn hơn. Kể từ năm 2001, hơn 1 triệu người Afghanistan đã phải đi sơ tán do các cuộc xung đột, trong đó riêng năm ngoái là 445.335 người.
Mỹ nỗ lực giải quyết vấn đề Taliban ở Afghanistan
Để đối phó với tình hình bất ổn, các lực lượng an ninh của Afghanistan và liên quân do Mỹ và NATO đứng đầu đã tăng cường các cuộc tấn công trên bộ và không kích nhằm vào các tay súng Taliban, đồng thời giới chức Kabul liên tục đề nghị hòa đàm với Taliban, tuy nhiên lực lượng này từ chối và tuyên bố điều kiện tiên quyết cho hòa đàm là các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Afghanistan.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần khẳng định quyết tâm nhanh chóng sớm kết thúc cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Vào tháng 8.2017, chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan, bao gồm kế hoạch can dự quân sự dài hạn cũng như tăng số binh sĩ Mỹ tại Afghanistan lên đến 14.000 người. Trong khi đó, NATO cũng có kế hoạch bổ sung khoảng 4.000 binh sĩ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ quân chính phủ Afghanistan.
Về phía Afghanistan, trong một nỗ lực nhằm khởi động tiến trình hòa giải chính trị cho cuộc khủng hoảng, tháng 2.2018, Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani đã vạch ra lộ trình hòa bình mới, theo đó đề xuất hòa đàm vô điều kiện với Taliban. Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận hòa bình nhằm chất dứt cuộc chiến 18 năm qua ở Afghanistan đã gặp trở ngại vì những bất đồng liên quan đến việc Taliban kiên quyết từ chối đàm phán trực tiếp với chính quyền Kabul, trong khi Mỹ và các nước lớn trong khu vực cho rằng tiến trình hòa bình phải do người dân Afghanistan dẫn dắt và làm chủ. Mặc dù vậy, cơ hội chấm dứt xung đột tại Afghanistan lại mở ra khi Taliban khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ.
Trên thực tế, từ lâu Taliban đã nhấn mạnh muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ, song Washington liên tiếp bác bỏ, cho rằng để có thể đi tới con đường hòa bình tại Afghanistan đòi hỏi Taliban phải tham gia hòa đàm trực tiếp với Chính phủ Afghanistan. Tuy nhiên, vào tháng 6-2018 vừa qua, Mỹ đã thể hiện sự thay đổi trong chính sách tại Afghanistan, khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẵn sàng "hỗ trợ, tạo điều kiện và tham gia" các cuộc đàm phán. Ông thậm chí còn để ngỏ khả năng thảo luận về vai trò của các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan, vấn đề mà Taliban quan tâm nhất.
Các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan đã được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2018 sau khi Mỹ bổ nhiệm đặc phái viên người gốc Afghanistan Zalmay Khalilzad đứng đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Taliban.
Từ tháng 7.2018 đến nay, Đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Khalilzad đã tiến hành 8 cuộc đàm phán với các đại diện của Taliban. Đặc biệt cuộc gặp hồi tháng 7.2018 tại Qatar giữa đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad với các đại diện của lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar đã kết thúc với nhiều dấu hiệu rất tích cực khi hai bên nhất trí về việc tiếp tục các cuộc đàm phán có ý nghĩa nhằm khôi phục hòa bình tại Afghanistan. Tiếp đó, tại cuộc đàm phán hồi tháng 1.2019, hai bên cũng đã hoàn tất các điều khoản đặc biệt là về khung thời gian và cơ chế rút các lực lượng nước ngoài khỏi Afghanistan, trong dự thảo thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Afghanistan. Đây được cho là giải pháp chính trị quan trọng để giải quyết bất ổn tại quốc gia Nam Á này
Còn ngay trước thềm vòng đàm phán thứ 8, các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ với các đại diện của Taliban cũng đã gặp nhau ngày 29.7 trong "bầu không khí thân thiện" và đạt được “những dấu hiệu vô cùng tích cực" đã làm tiền đề quan trọng để hai bên giải quyết được phần công việc khó khăn trong vòng đàm phán này.
Hướng tới một thỏa thuận hòa bình
Tại vòng đàm phán thứ 8 diễn ra tại Doha (Qatar) kéo dài từ ngày 3 đến 12-8, hai bên đã tiếp tục nỗ lực xây dựng thỏa thuận hòa bình bao gồm việc rút hơn 20.000 binh sĩ Mỹ và NATO khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ; đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không chứa chấp các nhóm khủng bố khu vực như Al-Qaeda và Taliban sẽ tiếp tục chiến đấu chống IS vốn đã mở rộng sự hiện diện trong những năm gần đây...
Trong cuộc đàm phán, Mỹ không che giấu ý định rút quân khỏi Afghanistan và sớm chấm dứt cuộc chiến "hao người tốn của" này. Tuy nhiên, Washington trước hết muốn có được sự đảm bảo rằng lực lượng Taliban sẽ từ bỏ mối quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn các nhóm chiến binh khác như IS ẩn náu ở Afghanistan. Trong khi đó, một chỉ huy cấp cao của Taliban tại Afghanistan nêu rõ nguyên nhân khiến đàm phán kéo dài và vẫn chưa đạt được một thỏa thuận là vấn đề rút lực lượng nước ngoài khỏi chiến trường Afghanistan.
Cơ hội giải quyết những bất ổn về an ninh lâu nay ở Afghanistan đã mở ra khi kết thúc vòng đàm phán thứ 8, đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad tiết lộ các quan chức Mỹ và lực lượng Taliban đã giải quyết được phần công việc khó khăn trong đàm phán để "hướng tới một thỏa thuận hòa bình lâu dài và một đất nước Afghanistan có chủ quyền, không còn là mối đe dọa cho bất kỳ nước nào khác".
Thỏa thuận này sẽ giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được mục tiêu đề ra là chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan kéo dài 18 năm qua và hiện đang rơi vào "vũng lầy" không lối thoát trong khi con số thương vong của dân thường và binh sỹ ngày một gia tăng. Thỏa thuận cũng được cho là sẽ bao gồm cam kết của Taliban tiến hành đàm phán chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn, nhưng không bao gồm lệnh ngừng bắn của Taliban với Kabul, dẫn tới lo ngại Taliban sẽ chiến đấu khi các lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan Khalilzad bày tỏ hy vọng Washington và Taliban sẽ ký thỏa thuận hòa bình trước ngày 1.9 tới, trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan trong cùng tháng, cũng như bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020.
Về phía Taliban, trong một tuyên bố, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cũng cho biết "Vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và lực lượng Taliban đã kết thúc ngày 12.8. Đây là vòng đàm phán kéo dài và hữu ích. Cả hai bên quyết định xin ý kiến chỉ đạo về biện pháp tiếp theo".
Từ lâu, người dân Afghanistan vẫn ấp ủ hy vọng về một nền hòa bình và tiến trình dân chủ hóa của đất nước mình, bởi đây là cách tốt nhất để mang lại sự ổn định và cho phép cộng đồng quốc tế giảm dần sự hiện diện tại đây. Nay, với những tiến triển trong vòng đàm phán thứ 8 giữa Mỹ và Taliban, hy vọng về một nền hòa bình lâu dài cho Afghanistan đã tiếp tục được nhen nhóm.
Theo TTXVN