Bài học từ "ngày khai giảng không thả bóng bay"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:56, 23/08/2019

Cuối tháng 7.2019, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh học sinh lớp 5M2, Trường Marie Curie Hà Nội đã đề cập đến việc không thả bóng bay trong ngày khai trường, khiến dư luận quan tâm.

Đến thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang còn “nổi da gà” khi đọc thư của Nguyệt Linh và càng tự hào, xúc động, tin tưởng vào thành công trong sự nghiệp trồng người của nhà trường.

Quả là sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã có biết bao thay đổi, vươn lên toàn diện về kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Song cùng với những mặt được về văn minh, tiến bộ, cũng có những tập tục mới nảy sinh mà khá nhiều là xuất phát từ tâm lý chạy đua hình thức, gây tốn kém, lãng phí, thậm chí có hại. Một trong những việc đó là trong ngày khai giảng năm học mới, nhiều trường lại tung lên bầu trời xanh cả trăm quả bóng bay đủ màu sắc, cứ cho thế là hoành tráng mà không biết đó là việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh quyển. Lại cũng có người cho đó là do tâm lý “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng họ không biết rằng cũng trong ngày khai giảng ấy, vẫn còn không ít học sinh là con em lao động thu nhập thấp phải chạy vạy để làm sao có đủ tiền mua đồng phục hay sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Nhiều ngôi trường ở miền núi, vùng quê nghèo, thậm chí ngay ở một số địa phương trong tỉnh, học sinh vẫn phải học trong những phòng học tạm bợ, dột nát, xuống cấp. Họ cũng không nghĩ rằng trong những hoạt động khai giảng hay hội nghị, kỷ niệm, đón phần thưởng, danh hiệu thi đua… ở nhiều cơ quan, địa phương, hoa tặng rải ra khắp hội trường là một sự lãng phí. Tiết giảm những chi phí ấy có thể thêm những cuốn vở, cặp sách, bút, quần áo... mới giúp các em học sinh nghèo tiếp tục được tới trường hay có thể xây thành những ngôi nhà tình nghĩa mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo hằng mơ ước...

Trở lại chuyện không thả bóng bay trong ngày khai giảng có thể coi đó là bài học đầu tiên cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường. Hành động đó đã nhắc nhở chúng ta suy nghĩ vì sao Việt Nam lại là quốc gia đứng thứ tư thế giới về xả rác thải nhựa ra biển? Nếu theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội thì tiếng kêu cứu vì ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng khẩn thiết. Trong thực tiễn cuộc sống từ sinh hoạt hằng ngày hoặc các cuộc lễ nghi, liên hoan, mừng công, lễ thả hoa đăng, đèn trời, động thổ… đều có sử dụng đến nguyên liệu sinh ra rác thải nhựa, túi nilon… Đó cũng là điều mà Chính phủ, các bộ ngành, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên trăn trở làm sao để huy động được lực lượng toàn dân “nói không với rác thải nhựa!”.

Ý tưởng không thả bóng bay trong ngày khai giảng của cô học trò Nguyệt Linh cũng vì thế mà càng trở nên ý nghĩa hơn. Một cô trò nhỏ mà đã biết suy nghĩ và hành động như vậy thì những người lớn càng cần làm gương. Từ mỗi cấp, mỗi ngành, đơn vị, địa phương đến từng nhà, từng người dân cần có một “cuộc cách mạng” để thay đổi thói quen có hại đối với môi trường. Chỉ có như vậy mới làm cho môi trường sống của chúng ta trở nên trong lành hơn, từ mặt đất đến hồ ao, sông biển, bầu trời…

NGUYỄN THẾ (Tứ Kỳ)