Nhật Bản tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Phi

Bình luận - Ngày đăng : 10:53, 31/08/2019

Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 diễn ra ở TP Yokohama, Nhật Bản, đã kết thúc với những cam kết hỗ trợ và đầu tư của Nhật Bản vào châu Phi.

Đây là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản giúp phát triển kinh tế tại châu Phi đồng thời là cơ hội để châu lục này thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế.


Chính phủ của Thủ tướng Abe mở rộng đầu tư sang châu Phi

Nhiều cam kết viện trợ phát triển 

TICAD 7 có chủ đề “Thúc đẩy sự phát triển của châu Phi thông qua con người, công nghệ và đổi mới”. Trong ba ngày diễn ra Hội nghị từ 28 đến 30.8.2019, lãnh đạo và đại diện của hơn 50 quốc gia châu Phi và các tổ chức quốc tế, đã thảo luận về các biện pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh ở châu Phi thông qua việc đổi mới và sự tham gia của khu vực tư nhân.

Ngoài ra, các đại biểu bàn các giải pháp giúp tăng cường hòa bình và ổn định ở lục địa này thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến do chính các nước châu Phi xây dựng. Đại diện các nước cũng tập trung bàn thảo về sự hợp tác giữa lĩnh vực công và tư nhân liên quan đến phát triển tại châu Phi, trong bối cảnh dân số tại châu lục này có thể lên tới 2,5 tỷ người vào năm 2050.

So với các hội nghị lần trước, TICAD 7 đã tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh doanh bởi theo quan điểm của Nhật Bản, đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững ở lục địa này. 

Tại Hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, đồng Chủ tịch TICAD với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe, nhấn mạnh việc đạt được một nền kinh tế vững mạnh không còn là trách nhiệm của riêng chính phủ các nước, điều này đòi hỏi tìm kiếm quan hệ đối tác mang tính xây dựng, mà trong đó bao gồm nhóm lĩnh vực tư nhân là động lực tăng trưởng chính, và nhà nước là nhân tố hỗ trợ, điều chỉnh và chất xúc tác.

Trong khi đó, về phía Nhật Bản, Chính phủ của Thủ tướng Abe cam kết cung cấp gói hỗ trợ phát triển trị giá trên 300 tỷ yen (2,84 tỷ USD) cho châu Phi nhân Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 7.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào châu Phi để hỗ trợ châu lục này phát triển. Thủ tướng Abe nêu rõ: "Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực tối đa để số vốn đầu tư của khu vực tư nhân sẽ vượt qua con số hiện nay.

Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để giúp các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp cận châu Phi”. Thủ tướng Abe cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư hơn 20 tỷ USD cho các nước châu Phi trong vòng 3 năm tới, đồng thời cam kết hỗ trợ thúc đẩy việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản cho hơn 3 triệu người dân châu Phi nữa. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho châu Phi với mục tiêu đào tạo 3.000 người trong vòng 6 năm tới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng công bố nước này sẽ hỗ trợ đào tạo quản lý rủi ro và nợ cho 30 quốc gia châu Phi trong vòng 3 năm tới, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng tại "Lục địa đen".

Ông Abe nêu rõ trong 3 năm tới, mỗi năm Nhật Bản sẽ lựa chọn 10 quốc gia ưu tiên cho chương trình hỗ trợ đào tạo quản lý rủi ro và nợ. Ông nhấn mạnh thị trường châu Phi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và "Lục địa đen" đang tiến gần tới trở thành một khối kinh tế lớn.

Sau ba ngày Hội nghị, TICAD 7 đã bế mạc với việc lãnh đạo Nhật Bản và các nước thành viên Liên minh châu Phi cùng các tổ chức quốc tế thông qua Tuyên bố chung Yokohama 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì trật tự trên biển dựa trên quy tắc theo luật pháp quốc tế.

Tuyên bố chung Yokohama 2019 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “đặt con người vào trung tâm của sự phát triển của châu Phi và kêu gọi thực thi đầy đủ Tuyên bố chung Addis Ababa năm 2016 về dân số và phát triển và Chương trình Hành động của Hội nghị Quốc tế về Phát triển dân số”.

Tuyên bố chung thừa nhận vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển châu Phi và tầm quan trọng của việc phát triển khu vực tư nhân, đồng thời khẳng định quyết tâm hợp tác để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên của châu Phi.

Ngoài ra, Tuyên bố chung cũng thừa nhận vai trò bổ sung cho nhau của các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực, và vai trò cơ sở hạ tầng với tư cách động lực tăng trưởng kinh tế chủ chốt. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng hạ tầng chất lượng cao, trong đó bảo đảm khả năng chi trả các chi phí trong chu kỳ của dự án, là yếu tố cơ bản cho sự chuyển đổi kinh tế bền vững.

Cũng tại diễn đàn này, các đại biểu đã thông qua Kế hoạch hành động Yokohama 2019, trong đó nêu ra các lĩnh vực ưu tiên, các hành động cụ thể, các bên tham gia và kết quả mong muốn khi triển khai Tuyên bố chung Yokohama 2019.

Mở rộng tầm ảnh hưởng

TICAD là một sự kiện quốc tế được tổ chức theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 1993 với mục đích thúc đẩy đối thoại chính sách giữa lãnh đạo các nước châu Phi và các đối tác phát triển về các vấn đề cấp bách mà châu lục này đang phải đối mặt như phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Kể từ khi được thành lập, TICAD luôn được tổ chức tại Tokyo. Tuy nhiên, TICAD lần thứ 6 diễn ra năm 2016 đã được tổ chức tại thủ đô Nairobi của Kenya với sự tham gia của lãnh đạo hơn 30 nước châu Phi cùng nhiều nhà lãnh đạo của các tổ chức phát triển quốc tế. 

Có thể thấy, TICAD nhiều năm qua đã là một cơ hội để châu Phi thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, Tokyo cho rằng thông qua hội nghị TICAD, Nhật Bản sẽ tăng cường vị thế tại thị trường châu Phi. Đặc biệt, kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nỗ lực tăng cường vị thế toàn cầu của mình, trong đó châu Phi được coi là “miền đất hứa” mà nhà lãnh đạo Nhật Bản đặt nhiều kỳ vọng. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại châu Phi xoay quanh các dự án hỗ trợ phát triển được coi là một hình thức sử dụng sức mạnh mềm của Tokyo.

Nhờ những chính sách phù hợp của chính quyền Thủ tướng Abe, hợp tác giữa Nhật Bản với các nước châu Phi đã và đang có nhiều bước tiến đáng kể. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Tokyo đã đầu tư tổng cộng 35,6 tỷ USD vào châu Phi trong giai đoạn 2016-2018. Con số này bao gồm 10 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do chính phủ cung cấp và 25,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Đây được xem là kết quả đáng khích lệ của Nhật Bản trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng sự tập trung vào thị trường châu Phi đầy tiềm năng với số dân dự kiến sẽ tăng từ 1,2 tỷ hiện tại lên 2,5 tỷ người vào năm 2050.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ chọn hướng tiếp cận châu Phi thông qua những gói vay ưu đãi cùng chương trình cung cấp học bổng cho sinh viên châu Phi. 

Trong khi đó, Nhật Bản hiện có 440 công ty đang hoạt động tại châu Phi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chế tạo, thương mại, bán lẻ và xuất nhập khẩu. Trong thời gian qua, Tokyo đã phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) triển khai sáng kiến Tăng cường hỗ trợ khối doanh nghiệp tư tại châu Phi (EPSA), hỗ trợ tài chính cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ tại lục địa này.

Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập một ủy ban thường trực chuyên trách xúc tiến đầu tư vào châu Phi với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Nhật Bản và các nước châu Phi. Hoạt động theo cơ chế phối hợp công-tư giữa chính phủ và các công ty Nhật Bản hiện đang hoạt động tại châu Phi, ủy ban thường trực chuyên trách xúc tiến đầu tư vào châu Phi của Nhật Bản có chức năng tham mưu cho Chính phủ Nhật Bản những biện pháp nhằm tăng cường đầu tư vào châu lục này, bao gồm việc soạn thảo các hiệp định đầu tư song phương và đa phương cũng như những thỏa thuận về ưu đãi thuế đầu tư.

Hơn nữa vốn được xem là "trận tuyến cuối cùng" trên thế giới của giới đầu tư quốc tế, châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là các loại quặng quý như cobalt và platinum cùng trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ, châu lục có 55 quốc gia với GDP 2.500 tỷ USD này đang là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, bị xem là "kẻ đến sau" khi tổng số vốn đầu tư của nước này vào châu Phi chỉ bằng 1/7 so với Mỹ, 1/6 so với Anh. Mỹ cũng như các nước châu Âu đã công bố các dự án đầu tư lâu dài tại khu vực châu Phi đầy tiềm năng, nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Đặc biệt trước việc Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào châu Phi với tổng số vốn ước tính lên tới hơn 200 tỷ USD tiếp tục lên kế hoạch tăng cường đầu tư và đổ thêm hàng tỷ USD vào châu lục này, Nhật Bản không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

Và hàng loạt cam kết tại Hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để Nhật Bản mở rộng tầm ảnh hưởng đối với các nước châu Phi và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú cùng thị trường tiềm năng ở lục địa này.

Theo TTXVN