Đòn bẩy nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:58, 03/09/2019
Nhiều trường học đã chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Trong ảnh: Giờ học tin học tại Trường THCS Chu Văn An (TP Chí Linh)
Điều hành mọi lúc, mọi nơi
Đã thành thói quen, bước vào ngày làm việc mới anh Đỗ Thế Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Gia Lộc lại vào website của Sở GDĐT. Mục anh Ngọc xem ngay là văn bản - công văn để biết sở có chỉ đạo, hướng dẫn gì mới không. Lần này xem xong, anh đưa giấy mời họp tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai năm học mới 2019 - 2020 lên trang web của phòng. "Thông qua trang web của ngành, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt thông tin chỉ đạo của cấp trên và cũng kịp thời chỉ đạo công việc cho các trường. Điều này giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, giảm giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức và có độ chính xác cao", anh Ngọc cho biết.
Theo Sở GDĐT, ngành đang vận hành 17 phần mềm quản lý trường học như quản lý học sinh, giáo viên, thi, xếp thời khóa biểu, sổ điểm, sổ liên lạc điện tử, thư viện, thống kê... 95% số văn bản chỉ đạo của sở, các Phòng GDĐT, báo cáo của các đơn vị được gửi, nhận qua hệ thống thư điện tử, website.
Hiện nay, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin (CNTT) của ngành GDĐT cơ bản đáp ứng yêu cầu. Toàn bộ các trường học của tỉnh đã lắp đặt đường truyền internet, trong đó khoảng 85% số trường có đường truyền tốc độ cao. Toàn bộ các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, hơn 62% số trường THCS, 94% số trường tiểu học có phòng máy vi tính và dạy tin học cho học sinh.
Ngoài thực hiện các phần mềm chung của ngành, nhiều trường linh hoạt, sáng tạo trong việc ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành. Điển hình như Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) thời gian qua đã đổi mới việc giao ban hằng tuần trên website của đơn vị. Hầu hết các nội dung cần triển khai lãnh đạo trường đưa lên website trước, giáo viên tìm hiểu và cho ý kiến. Khi họp chính thức chỉ khoảng 15 phút để thống nhất lại nội dung. Trường có nghị quyết nếu giáo viên nào không đọc, tìm hiểu thông tin đưa lên website phải tự chịu trách nhiệm. "Nhà trường xây dựng, cập nhật dữ liệu về công tác chủ nhiệm, thời khóa biểu của giáo viên. Ban Giám hiệu nắm được công việc hằng ngày của giáo viên thuận tiện cho việc điều chỉnh chuyên môn khi có việc đột xuất", thầy giáo Bùi Quang Huyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng nói.
Đối với những trường học đã sáp nhập, do học sinh, cán bộ, giáo viên chưa tập trung về một điểm nên sử dụng CNTT mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác điều hành. Theo cô giáo Lê Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Nam Sách, chỉ những cuộc họp quan trọng trường mới triệu tập đầy đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên về một điểm. Công việc đột xuất hay trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ bình thường, lãnh đạo trường thực hiện qua thư điện tử hoặc các nhóm trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Cách làm này bảo đảm sự chính xác, nhanh, giảm áp lực họp hành.
Sáng tạo
Hầu hết các trường và đội ngũ giáo viên đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức đến sử dụng CNTT vào dạy học. Hiện nay, gần như 100% số giáo viên soạn giáo án bằng máy vi tính, sử dụng các phần mềm đa phương tiện như Powerpoint, Violet để thiết kế bài giảng. Nhiều giáo viên tích cực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo phần mềm, cách làm hay trong ứng dụng CNTT tạo luồng gió mới trong mỗi giờ lên lớp.
Nhiều năm nay, môn lịch sử ở các trường phổ thông thường nhàm chán, thiếu hấp dẫn với đông đảo học sinh. Nhưng giờ học lịch sử của cô giáo Nguyễn Thu Quyên, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) thì lại khác. Phần lớn giờ học của cô luôn mang đến sự trải nghiệm, hứng thú mới cho học sinh do sử dụng không gian ảo 3D làm các sự kiện lịch sử trở nên sống động. Học sinh ngồi ở lớp cũng có thể được chiêm ngưỡng nhiều địa danh, bảo tàng lớn trên thế giới.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục ngày càng cao, nhiều giáo viên sáng tạo trong sử dụng CNTT, góp phần nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh. Điển hình là phần mềm Minhtext do thầy giáo Lý Văn Công, Trường THPT Thanh Bình (Thanh Hà) viết. Điểm nổi trội của phần mềm này là vừa có chức năng soạn thảo văn bản vừa quản lý câu hỏi và tự tạo bài tập, câu hỏi, đề thi trắc nghiệm không giới hạn. Dữ liệu, thông tin được mã hóa nên có tính bảo mật cao. Sử dụng phần mềm này, giáo viên có thể dùng điện thoại thông minh để quét chấm bài trắc nghiệm ngay trên lớp. Học sinh có thể biết ngay đáp án khi dùng điện thoại thông minh quét mã QR in trên đề. Phần mềm này rất có lợi khi ôn luyện làm bài trắc nghiệm thi THPT quốc gia.
Nhiều thầy cô giáo đã chủ động, sáng tạo khai thác trang thiết bị, đồ dùng hiện có để tạo nên những tiết dạy sinh động, cuốn hút học sinh. Nhiều năm nay, giáo viên Trường THCS Quang Minh (Gia Lộc) sử dụng hiệu quả máy chiếu, bảng tương tác thông minh vào dạy học. Đáng chú ý là 2 năm nay, giáo viên của trường tự quay, dựng video clip kết hợp với tìm kiếm hình ảnh trên internet để đưa vào tiết dạy phù hợp. "Các video clip này vừa để minh họa, thuyết minh hay gợi mở giúp học sinh phát hiện, giải quyết nhiệm vụ học tập. Nhiều tiết học môn toán không còn khô cứng mà trở nên sinh động, cuốn hút hơn. Học sinh qua đó cũng được bồi đắp thêm niềm say mê với CNTT và sáng tạo một số đồ dùng học tập hữu ích", thầy giáo Nguyễn Xuân Nhật dạy môn toán ở Trường THCS Quang Minh nói.
Ngành GDĐT của tỉnh luôn xác định sử dụng hiệu quả CNTT là biện pháp quan trọng giúp đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục duy trì, nâng cấp, khắc phục hạn chế của các phần mềm; khuyến khích, tạo phong trào thi đua giúp mỗi cán bộ, giáo viên không ngừng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo trong sử dụng CNTT.
DANH TRUNG