Việt Nam, một tâm thế khác!
Quốc tế - Ngày đăng : 12:49, 05/09/2019
1. Khi Ronaldo dành cho Messi những lời ngọt ngào tại Gala trao giải Cầu thủ xuất nhất nhất châu Âu mùa 2018/19 của UEFA, cảm giác như một thập kỷ vừa trôi qua kẽ tay. Đó là một thập kỷ ganh đua vô tiền khoáng hậu giữa hai cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá. Trong khoảng thời gian đó, Messi và Ronaldo chơi thứ bóng đá ở đẳng cấp khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại và chỉ có hai siêu sao này tranh ngôi bá chủ túc cầu.
Và vì bản chất của thể thao là cạnh tranh và ganh đua, Messi và Ronaldo dù không công khai chỉ trích nhau nhưng luôn ngấm ngầm phủ nhận đối phương. Messi không dưng chụp ảnh với chú dê (GOAT - Greates of all time - Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử) còn Ronaldo trực diện hơn, luôn khăng khăng anh là người giỏi nhất, không chỉ ở hiện tại mà còn xuyên suốt lịch sử, hay chính là GOAT. Chính sự khao khát và ganh đua ấy, như đã đề cập, đã biến thập kỷ qua thành thời đại của Messi và Ronaldo.
Tuy nhiên, chẳng cần đến kết quả bình chọn Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu mùa 2018/19 mà Virgil van Dijk là người chiến thắng, không khó để cảm nhận thời đại của hai người đang dần qua. Vì tuổi tác và vì sự vươn lên của các CLB. Hoặc dễ hiểu, cuộc đua giành các danh hiệu cá nhân không còn là chuyện riêng giữa Messi và Ronaldo. Năm ngoái có Modric, năm nay có Van Dijk, và năm sau Messi lẫn Ronaldo đều già thêm một tuổi.
Thế nên những lời ngọt ngào Ronaldo dành cho Messi trong đêm Gala tại Monaco chính là dấu hiệu thời đại của hai người dần trôi qua.
Cần nhớ rằng, những lời ngọt ngào như vậy chỉ xảy ra trong ba trường hợp: Thứ nhất là ca ngợi của kẻ dưới với bề trên; Thứ hai bề trên ban khen cho kẻ dưới; Và thứ ba, giữa những anh hùng đã hết thời ganh đua. Không chỉ Ronaldo và Messi, ở giai đoạn ganh đua, Sir Alex và Wenger, Pep và Mourinho cũng chẳng bao giờ dành những lời có cánh cho nhau.
Bản chất của thể thao là ganh đua
2. Trong địa hạt bóng đá, người Thái cũng từng hay khen người Việt. Nào là cầu thủ Việt Nam khéo léo, kỹ thuật. Nào là đội tuyển Việt Nam có ý chí chiến đấu kiên cường. Nào là Việt Nam có một giải VĐQG thập hấp dẫn. Nhưng đó là chuyện quá khứ, chuyện của khoảng thời gian Việt Nam cứ gặp Thái Lan là thua tan tác. Ấy chính là lời khen của bề trên dành cho kẻ dưới. Còn hiện tại, Thái Lan không còn trên cơ Việt Nam.
Điều đó thể hiện rõ qua kết quả thi đấu. Tại các giải từ cấp khu vực đến châu lục trong vòng 2 năm qua, Việt Nam luôn đạt thành tích tốt hơn Thái Lan. Chẳng những gây tiếng vang trên đấu trường châu lục bằng những màn trình diễn kinh thiên động địa, thầy trò Park Hang Seo còn khẳng định vị thế đội bóng số một Đông Nam Á bằng chức vô địch AFF Cup. Và, chiến thắng trước chính Thái Lan tại King’s Cup trên chính đất Thái là biểu tượng cho sự soán ngôi.
Chính vì vậy, cách ứng xử của người Thái khi chuẩn bị tiếp đón Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 đã hoàn toàn khác. Đầu tiên là từ cách chuẩn bị. ĐT Thái Lan đã dành ra 3 ngày tập luyện liên tục trên sân Thammasat, nơi tổ chức trận thư hùng. Đây là điều khá dị biệt bởi thông thường các đội bóng chỉ tập trên sân chính 1 ngày trước giờ xung trận. Tiếp đến là sự tiếp đón không hề nồng hậu dành cho thành viên đội tuyển lẫn các phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp.
Kiatisuk, một huyền thoại có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam và trong quá khứ không ít lần “ban khen” cho nền bóng đá Việt vừa rồi chê “cầu thủ Việt Nam không kỹ thuật bằng Thái Lan”. Dusit, một huyền thoại khác tuyên bố “chết cũng phải thắng Việt Nam”. Trong khi đó, tân HLV Nishino chủ động né tránh các câu hỏi liên quan đến đối thủ. Và trên truyền thông, báo giới Thái liên tục nhắc lại những chiến thắng tưng bừng của Thái Lan trước Việt Nam trong quá khứ như một cách ăn mày dĩ vãng.
Người Thái đang lấy Việt Nam làm động lực để phấn đấu
Một diễn biến khác, cơn sốt vé chưa từng có đã xuất hiện trước trận đấu giữa Thái Lan với Việt Nam, khi giá vé chợ đen tăng gấp 10 lần giá gốc, lên mức 10 ngàn baht, tương đương gần 10 triệu VNĐ. Tất cả những dữ kiện trên chứng minh một điều người Thái rất thèm khát một chiến thắng trước Việt Nam và xa hơn nữa, họ là xem Việt Nam là mục tiêu theo đuổi, như cái cách Messi và Ronaldo đuổi bắt nhau suốt 10 năm qua.
Nói cách khác, Việt Nam đã ở tâm thế rất khác.
3. Sự vươn lên của ĐT Việt Nam là điều rất đáng tự hào. Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế rằng Thái Lan vẫn là một đội bóng có thực lực và lại có lợi thế sân nhà. Thế nên bất kỳ kết quả nào cũng có thể xảy ra. Do đó dẫu cho một kết quả tiêu cực xảy đến, âu cũng là điều chấp nhận được bởi cái lẽ thắng thua là chuyện thường tình. Vấn đề đáng quan ngại nhất là thái độ ứng xử của người hâm mộ sau trận đấu.
Có một thực trạng, không ít CĐV quá khích sẵn sàng lao vào chửi bới tuyển thù vì một sai lầm hoặc một pha bỏ lỡ cơ hội. Thậm chí, ngay cả HLV Park Hang Seo mới đây cũng không thoát khỏi lưỡi hái hung hãn và vô tri ấy.
Cần nhấn mạnh, ĐT Việt Nam chính là đứa con tinh thần của cả dân tộc và chẳng người mẹ nào buông bỏ đứa con trừ khi việc kéo giữ làm con mình đau. Tiền nhân đã dựa vào thứ tình cảm thiêng liêng ấy để tìm ra người mẹ đích thực của đứa con và trở thành câu chuyện lưu truyền muôn đời sau.
Theo Bongdaplus