Các đội múa lân sư rồng hối hả đón Trung thu
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:07, 12/09/2019
Đội lân sư rồng Phúc Hưng Đường (thị trấn Gia Lộc) đã nhận nhiều show diễn dịp Tết Trung thu này
5 giờ chiều 8.9 (mùng 10.8 âm lịch), 23 thành viên của Đội lân sư rồng Trần Sư Đường tập hợp trước cửa nhà anh Trần Đình Chương (sinh năm 1989) ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) để duyệt lại các động tác lần cuối trước khi chia thành 3 nhóm múa lân tại 3 địa điểm khác nhau ở thành phố và huyện Nam Sách.
Thành lập cách đây 10 năm, đến nay Đội lân sư rồng Trần Sư Đường đã trở thành một trong những đội có tiếng trong tỉnh. Không chỉ hoạt động dịp Trung thu, đội thường xuyên được mời biểu diễn vào các dịp lễ hội, khai trương, khánh thành, tân gia... Nhận show liên tục nên đội duy trì tập luyện 3 buổi/tuần để nâng cao kỹ năng biểu diễn.
Anh Chương, người thành lập và là Đội trưởng Đội lân sư rồng Trần Sư Đường cho biết thành viên mới cần mất từ 1-2 tháng để thuộc các động tác múa lân cơ bản. Không chỉ múa “đơn sư” (múa 1 con lân), các thành viên của đội cũng dày công tập luyện phối hợp nhiều động tác khó khi múa “song sư” (múa 2 con lân) hoặc “tứ sư hội” (múa 4 con lân). “Có những màn múa chúng tôi phải tập đi tập lại trong gần 1 tháng mới nhuần nhuyễn như màn múa tứ sư hội trong "Đêm hội trăng rằm TP Hải Dương 2019" nhân dịp Trung thu năm nay tại Trường Tiểu học Tân Bình. Tiết mục này có nhiều động tác khó như lân cuộn, lăn, đứng, người múa đằng trước phải nhảy lên đùi, lên vai, xoay vòng trên vai người đằng sau… đồng thời”, anh Chương chia sẻ.
Các thành viên trong Đội lân sư rồng Phúc Hưng Đường ở thị trấn Gia Lộc cũng tập luyện hằng tuần nay để chuẩn bị biểu diễn dịp Tết Trung thu này. Đội do anh Tăng Hữu Phong (sinh năm 1984) ở thị trấn Gia Lộc thành lập từ năm 2008, đến nay có 17 thành viên. Hằng năm, trước Trung thu khoảng 1 tháng đội tăng thời gian tập luyện lên từ 2-3 buổi/ tuần. Anh Đỗ Thanh Phong, thành viên trẻ tuổi nhất Đội lân sư rồng Phúc Hưng Đường cho biết: "Múa lân có những động tác như nhảy cao, xoay trên không trung, cuộn… khó hơn múa rồng, còn các động tác múa rồng thì dễ hơn nhưng tất cả phải phối hợp nhịp nhàng. Do thường xuyên luyện tập nên mỗi khi có show cả đội chỉ cần duyệt trước 1-2 buổi".
Đội lân sư rồng Trần Sư Đường trước giờ diễn
Để có được những buổi biểu diễn sinh động, hoành tráng, các đội lân sư rồng không chỉ đầu tư về vũ đạo mà còn phải chú trọng đạo cụ, trang phục diễn. Cách đây nửa tháng, Đội lân sư rồng Phúc Hưng Đường và Trần Sư Đường đều mua thêm trống, các con lân trị giá hàng chục triệu đồng.
Được đầu tư thường xuyên nên tiết mục của các đội lân sư rồng thu hút nhiều khách hàng. Dịp Trung thu năm nay, Đội lân sư rồng Trần Sư Đường đã nhận được gần 50 show từ mùng 9-15.8 âm lịch, tăng gấp đôi so với 3-4 năm trước. Đội Phúc Hưng Đường cũng nhận được lượng show tăng cao, ngày cao điểm diễn 4 cuộc. Đội lân sư rồng Cẩm Đình Đường ở thị trấn Gia Lộc đến nay nhận được trên 30 show diễn. Thành lập cách đây 5 năm, đến nay đội Cẩm Đình Đường có 45 thành viên, là đội đông thành viên nhất huyện Gia Lộc. Đội đã đầu tư 10 lân, 3 rồng, 8 trống và bộ âm thanh đầy đủ. Chỉ riêng ngày 15.8 âm lịch, đội nhận khoảng 10 show diễn từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm.
Đáp ứng nhu cầu tăng cao của khán giả, các đội lân sư rồng thường tách ra thành 2-3 nhóm nhỏ hơn để “chạy” show trong dịp này. Thành viên các đội chủ yếu là học sinh, sinh viên, người làm nhiều nghề khác nhau nhưng chung niềm đam mê múa lân sư rồng. “Vào dịp Trung thu, tôi xin nghỉ một số buổi chiều và cả ngày rằm để đi diễn. Để "chạy" hết được các show đã nhận, chúng tôi thuê quán nấu cơm cho anh em trong những ngày cao điểm. Sau show diễn buổi tối, các anh em về nhà, sáng hôm sau đi học, đi làm bình thường, chiều tiếp tục đi diễn", anh Nguyễn Khắc Cảnh, sinh năm 1992, công nhân Công ty TNHH Haivina (Gia Lộc), thành viên Đội lân sư rồng Cẩm Đình Đường cho biết.
Không chỉ vất vả “chạy” show, các đội lân sư rồng còn thường xuyên phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới đến lượt biểu diễn. Anh Chương nhớ lại: “Có lần cả đội có mặt lúc 7 giờ tối để chờ, nhưng đến hơn 11 giờ đêm mới được ra sân khấu. Lúc đó chiếc bánh mỳ trong bụng đã hết từ lâu, anh em ai cũng đói nhưng vẫn động viên nhau cố gắng biểu diễn nhiệt tình để mang niềm vui đến cho khán giả”.
Tuy vất vả nhưng công việc này đem lại thu nhập đáng kể cho các thành viên đội lân sư rồng. Giá của mỗi show diễn 2 lân là 2,5-3 triệu đồng, thêm 1 rồng khoảng 5 triệu đồng. Sau mỗi mùa Trung thu, mỗi thành viên nhận được từ 2,5-5 triệu đồng.
Mang niềm vui đến cho khán giả, những đội lân sư rồng đã góp phần gìn giữ và phát triển nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc trong dịp Tết Trung thu cũng như trong đời sống thường ngày.
VIỆT QUỲNH