7 sai lầm thường gặp của cha mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:26, 24/09/2019
Cùng với niềm hạnh phúc được trở thành cha mẹ, nhiều người cũng cảm thấy bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn khi chăm sóc em bé sau sinh. Để những tháng đầu tiên trôi qua yên bình, bạn nên tránh những sai lầm phổ biến khi chăm trẻ sơ sinh mà rất nhiều cha mẹ mắc phải.
Nghe theo lời khuyên của mọi người
Theo Parents, trong những tuần đầu tiên chăm trẻ sơ sinh, bạn thường tìm kiếm lời khuyên từ những người từng trải qua giai đoạn này. Thậm chí, nhiều người dù chưa có kinh nghiệm vẫn sẽ đưa ra đề xuất nào đó. Nhưng không phải mọi người đều có ý kiến thống nhất với nhau và nhiều ý kiến chưa chắc đã đúng.
Bởi vậy, điều này là không được khuyến khích. Bạn sẽ không có sự sáng tạo trong cách nuôi dạy con của mình. Thay vào đó, hãy lắng nghe lời khuyên của người khác nhưng kết luận duy nhất quan trọng thuộc về bạn.
Cho con bú quá nhiều hoặc quá ít
Các bác sĩ khuyên mẹ nên cho bé bú ít nhất 2 giờ/lần để đáp ứng nhu cầu và tạo thói quen bú cho trẻ. Trẻ sơ sinh thường không tự bú quá nhiều. Khi đói, bé sẽ khóc ngay cả khi đang được cho bú.
Tuy nhiên, lý tưởng nhất vẫn là nên cho con bú trong những khung giờ hợp lý. Nếu bạn chưa tiết sữa và con phải bú sữa công thức, bạn nên bắt đầu với một lượng nhỏ khoảng 20-30 ml bởi vì dạ dày trẻ sơ sinh khá nhỏ. Dù cho con bú quá nhiều không gây hại nhưng có thể khiến trẻ nôn trớ, gây khó chịu. Mỗi trẻ đều có nhu cầu khác nhau, nên mẹ cần kiên nhẫn để tìm hiểu bé thực sự muốn gì.
Không vỗ lưng khi chăm trẻ sơ sinh
Vỗ lưng để trẻ ợ hơi là hành động cần thiết sau mỗi lần bú vì nó sẽ giải phóng không khí từ dạ dày và giúp bé thoải mái. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại quên cho bé ợ hơi.
Sau khi con đã bú no, bạn hãy đặt bé lên vai trong 15-20 phút nhằm tránh hiện tượng nôn trớ. Nếu phải đặt con nằm xuống, bạn nên để bé nằm ở vị trí đầu cao hơn một chút so với thân người.
Các bậc cha mẹ đều mong muốn dành sự chăm sóc tốt nhất cho con của mình. Ảnh: Parents |
Cho con nằm trên mặt phẳng cứng
Đầu của trẻ sơ sinh thường rất mềm. Nếu đặt bé nằm trên mặt phẳng cứng trong nhiều giờ, đầu bé có thể xuất hiện những đốm phẳng. Theo thời gian, tình trạng này dẫn đến hội chứng đầu bẹt.
Dáng đầu của bé sẽ dần định hình, vì vậy, bạn cần chú ý để phát hiện sớm điều bất thường. Nếu nhận thấy những đốm phẳng trên đầu con, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Trong trường hợp nặng, trẻ sơ sinh có thể cần được kết hợp nhiều phương pháp trị liệu.
Không thay tã thường xuyên
Thay tã là nhiệm vụ có vẻ nhàm chán đối với các cha mẹ nhưng nó lại rất quan trọng. Khi bạn kiệt sức vì chăm con, việc thay tã có thể dễ dàng bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu để quá lâu, tã bẩn có thể gây ra hăm, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ.
Vì vậy, để con luôn thoải mái và ngăn ngừa những vấn đề không mong muốn, mẹ nên thay tã thường xuyên cho bé.
Để quá nhiều người bế con
Không có gì ngạc khi trẻ sơ sinh luôn được mọi người yêu quý, chiều chuộng. Nhưng bạn nên đảm bảo sự tiếp xúc vật lý giữa con và những người khác được giữ ở mức tối thiểu.
Ở độ tuổi còn quá bé, hệ miễn dịch của trẻ khá yếu và dễ bị bệnh. Những việc như hôn, ôm ấp nên tránh vì có thể lây truyền các bệnh qua không khí.
Rung lắc em bé
Thật đáng buồn khi hành động này vẫn xảy ra trong thế giới hiện đại. Nhưng các bậc cha mẹ vẫn thường áp dụng điều này để dỗ trẻ nín khóc hoặc ru ngủ. Thói quen rung lắc trẻ có thể gây ra một số tổn thương não nghiêm trọng vì hộp sọ của bé chưa được hình thành đầy đủ.
Theo Zing.vn