Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 3: Thiếu mô hình giảm nghèo hiệu quả

Xã hội - Ngày đăng : 07:25, 05/10/2019

Thời gian qua ở tỉnh ta, việc triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo bộc lộ nhiều hạn chế, không chỉ số lượng ít mà còn thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao.


>>Giảm nghèo chưa bền vững. Bài 2: Muốn... nghèo


Bà Phạm Thị Đề ở xã Cổ Bì (Bình Giang) cho rằng nguồn vốn hỗ trợ từ dự án không đủ để bà sửa sang chuồng trại chăn nuôi, phát triển sản xuất

Giảm nghèo đã khó, giảm nghèo bền vững càng đòi hỏi phải có những biện pháp tích cực hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở tỉnh ta, việc triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo bộc lộ nhiều hạn chế, không chỉ số lượng ít mà còn thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao.

"Như muối bỏ bể"

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020, năm 2017, tỉnh ta đã triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo". Đây là dự án mang tính chất "cầm tay chỉ việc", giúp người nghèo vươn lên. Tuy nhiên, dự án này không khác gì "muối bỏ bể" vì chỉ thực hiện có 3 mô hình, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho 144 hộ nghèo, cận nghèo ở các địa phương tham gia. 3 mô hình gồm hỗ trợ 2.000 con vịt giống tại xã Phượng Hoàng (Thanh Hà); 3.377 con gà giống cho các xã Thống Nhất (Gia Lộc) và An Châu (TP Hải Dương); cung cấp giống, vốn cho người dân trồng hơn 11 ha khoai lang ở các xã Lê Hồng, Đoàn Kết, Tân Trào, Tứ Cường (Thanh Miện).

Các mô hình này về cơ bản đã giúp người nghèo cải thiện cuộc sống trong một thời gian. Người dân thu lãi cao một phần nhờ được hỗ trợ giống, vốn, một phần do được trang bị kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng sau khi hết thời hạn thực hiện mô hình, tất cả lại trở về vạch xuất phát, đa phần người nghèo tham gia các mô hình không phát huy được những kinh nghiệm đã có để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, lâu dài.

Tháng 9.2017, xã Phượng Hoàng nhận 2.000 con vịt trong dự án. Xã phân bổ số vịt này cho 15 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài giống, các hộ còn được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc và khoảng 50% chi phí vật tư thiết yếu phục vụ việc chăn nuôi như thức ăn hỗn hợp, vaccine... Do đó hầu hết các hộ đều nuôi thành công và có lãi cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Danh Phố ở thôn Ngoại Đàm đã thu lãi khoảng 14 triệu đồng sau 8 tuần nuôi 200 con vịt do dự án hỗ trợ.

Tuy lãi là thế nhưng kết thúc dự án đa phần các hộ không đầu tư nuôi tiếp và vẫn ở diện hộ nghèo, cận nghèo như ban đầu. Theo một cán bộ phụ trách mảng khuyến nông xã Phượng Hoàng, hiệu quả của dự án khá tốt nhưng thiếu tính bền vững. Sự hỗ trợ mang tính nhất thời không giúp được người dân thoát nghèo. Nếu dự án có những bước kế tiếp, có thể giảm sự hỗ trợ kinh phí nhưng vẫn quan tâm hỗ trợ bà con về mặt kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm… biết đâu kết quả sẽ khả quan hơn.

Người dân không mặn mà

2019 là năm nước rút của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, vì thế UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình giảm nghèo. Năm 2019, tỉnh chỉ đạo thực hiện 8 mô hình, năm 2020 thực hiện 12 mô hình. Các mô hình này bao gồm 2 loại là mô hình giảm nghèo đặc thù tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và mô hình liên kết với doanh nghiệp. Mức hỗ trợ cho mỗi mô hình tối đa không quá 300 triệu đồng. Mỗi hộ nghèo tham gia mô hình được hỗ trợ 7 triệu đồng, hộ cận nghèo 5 triệu đồng. Những hộ này sau 2 năm phải trả đủ 2/3 số tiền hỗ trợ nêu trên, 1/3 số tiền còn lại các hộ được hưởng lợi. Mong muốn của tỉnh là sau khi triển khai các mô hình giảm nghèo sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; gắn phát triển sản xuất với giảm nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghề truyền thống, đặc trưng phù hợp với điều kiện từng địa phương. Qua đó từng bước tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nghèo trên địa bàn.

Những ngày gần đây, chúng tôi đã đến tìm hiểu việc triển khai 2 mô hình giảm nghèo là mô hình phát triển nông nghiệp gồm trồng trọt (chuyên canh cây hành mủa), chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô nhỏ theo nhóm gia đình với sự hỗ trợ của các trung tâm khuyến nông ở các vùng đặc thù, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo tại xã Cổ Bì (Bình Giang) và mô hình sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao, trồng rau củ quả chăn nuôi thủy sản tại xã Đức Xương (Gia Lộc). Lãnh đạo UBND 2 xã này đều cho biết người dân không mấy mặn mà với việc thực hiện mô hình. Nguyên nhân chủ yếu do số tiền hỗ trợ quá ít, không đủ để tạo nên sự khác biệt trong sản xuất. Khi bắt đầu triển khai, hầu như không có hộ nghèo, cận nghèo nào đăng ký tham gia. Các xã đều phải tổ chức họp ở cấp thôn nhiều lần để vận động người dân tham gia. Xã Cổ Bì còn tổ chức họp với toàn thể các hộ nghèo, cận nghèo để tuyên truyền, vận động bà con tham gia mà đến thời điểm này vẫn chưa chốt đủ đối tượng để giải ngân hết số tiền được hỗ trợ theo dự kiến của mô hình.

Khi được hỏi, bà Phạm Thị Đề (sinh năm 1955) thuộc hộ cận nghèo ở xã Cổ Bì cho biết với số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ của dự án, gia đình bà rất khó để cải thiện chuồng trại, đầu tư con giống chăn nuôi. Theo bà Đề, việc chăn nuôi của gia đình bà trước và khi đã đăng ký tham gia dự án không có gì thay đổi.

Từ thực tế đó nên lãnh đạo UBND xã Cổ Bì cũng như xã Đức Xương đều cho biết giá như mô hình có tính thực tiễn hơn thì sẽ có hiệu quả. Thay vì đầu tư theo số lượng dàn trải như hiện nay có thể tập trung vào chất lượng, dồn vốn hỗ trợ cho những gia đình có khả năng bứt phá để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo kế hoạch, trong năm 2020, tỉnh tiếp tục triển khai 12 mô hình giảm nghèo nữa. Cơ quan chức năng cần xem xét hiệu quả của các mô hình đã triển khai trong năm 2019 để điều chỉnh kịp thời.

NGỌC THANH