Tới Venice, thong dong trên những dòng kênh mênh mang
Du lịch - Ngày đăng : 14:03, 06/10/2019
Cây cầu Hàn Lâm
Do có đến 118 hòn đảo, nên Venice cũng có tới 150 con kênh, cùng hơn 400 cây cầu, đưa nó thành bảo tàng sống động của kinh kiều. Trong đó dòng nước lớn nhất là Grand Canal có hình chữ S viết ngược, dài khoảng 4 km, rộng 105 m, chảy từ tòa thánh San Marco Basilica tới nhà thờ thủy tinh Santa Chiara, chia thành phố thành hai nửa. Cây cầu trung cổ Rialto là con đường trên sóng độc đáo nhất, cũng lâu đời nhất, bằng đá nhịp cuốn, đồ rằng đã ra đời từ thế kỷ 12 và có dáng vẻ hôm nay từ năm 1591, với chiều dài 31,8 m, rộng 8,9 m, cao 7,3 m so với mặt kênh. Chừng ấy thôi vẫn đủ để những con thuyền gondola xuyên qua nó, vì cầu đường tại đây khá thấp, người chèo và cả hành khách đều phải cúi thấp khi băng qua nhưng ai nấy đều vui vẻ, vì như thể một hành động nghĩa hiệp, thân chào nhau vậy.
Venice có 150 con kênh cùng hơn 400 cây cầu
Mọi sự bắt đầu vào giữa thế kỷ thứ năm khi Venice còn rất sơ khai và là một vịnh, phá ven biển với khá nhiều tiểu đảo đầm lầy. Dân cư đi lại bằng thuyền nhỏ, luồn lách qua những con kênh tự nhiên. Chỉ 100-200 năm sau, người dân tứ hải đã dồn tới đây đông nghịt và họ phải nới rộng các dòng nước, cũng như xây nhà hai bên kênh chồng chất, biến nó thành một thị trấn sầm uất. Nhìn từ xa, mỗi ngôi nhà cứ như trôi nổi trên nước, nhất là khi có sóng dữ đánh dạt vào sườn, có cảm tưởng ngôi nhà bị dạt đi. Nhưng thực ra nó rất vững chãi vì có móng là những cột gỗ đóng sâu vào đất và theo thời gian nước biển thấm dần, khiến cho móng gỗ cứng như thép. Nhờ thế người dân rất yên tâm ăn ở, bất chấp gió bão. Vì bước ra khỏi cửa là mép nước nên ai nấy đều đi thuyền, nhỏ thì chở dăm ba người, lớn thì mang cả chục và hiện gondola tiêu chuẩn thường dài tới 11 m, rộng 1,42 m. Dài để chở được nhiều người hơn, nhưng nó chỉ rộng khoảng 1,5 m vì kênh ngòi khá hẹp. Cứ cách một tòa nhà, lại có một con kênh mà nhiều khi to nhỏ khác biệt và người ta phải bảo đảm trên một dòng nước ít nhất có hai cái thuyền tránh được nhau. Những lúc không có thuyền, nhiều người cũng có thể bơi lội qua những con kênh trước nhà vì chúng chỉ sâu khoảng 3-5 m. Tuy nhiên, pháp luật cấm bơi lội như vậy, không phải vì nó nguy hiểm mà do kênh ở đây được xem như các đường phố trên cạn, và bơi lội chẳng khác gì việc mọi người ùa ra lòng đường cản trở ô tô.
Dân cư, du khách đi lại bằng thuyền nhỏ, luồn lách qua những con kênh tự nhiên
Nếu không thích đi thuyền, nhất là những đám cưới cô dâu chú rể ngại ướt áo, mọi người sẽ qua cầu. Có tới hàng trăm cây cầu bắc qua kênh ngòi, và đa số đều có hình dạng cong như một cánh cung trên nước. Có lẽ vừa để tạo ra sự thơ mộng, gợi cảm của công trình, vừa phòng tránh được sóng nước tung tóe mỗi khi đi thuyền hay lũ lớn. Ngoài ra, đây cũng là một phong cách kiến trúc truyền thống, đã xuất hiện từ thời La Mã, với những nhịp cuốn làm cổng, cầu cống và các khán đài sân khấu. Những cây cầu hình cung đã tạo nên một nét đẹp hấp dẫn, độc đáo, không một nơi nào có nhiều cây cầu, đặc biệt là cầu nhịp cuốn như Venice. Ở đây, bạn có thể gặp rất nhiều kiểu cầu phong phú, từ cong vút tới cong vừa, hơi cong kết hợp với nhiều nhịp cuốn và bằng rất nhiều chất liệu: gỗ, đá, gạch, ngói, sắt thép, bê tông, vật liệu tổng hợp thon thả nối kết từng ngòi nhỏ lẫn ngòi lớn và thậm chí từng lối vào các tòa nhà. Có đến 72 trong tổng số 400 cây cầu là tài sản tư hữu ở Venice. Chúng được các gia đình giàu có bỏ tiền ra xây dựng, song vẫn phục vụ đại chúng, nhưng nếu không để ý du khách vẫn sẽ nhầm tưởng đó là của công. Khác với cầu nhà nước, những công trình này mang đầy dấu ấn cá nhân, được thể hiện qua nhiều trang trí đẹp lạ. Khó có thể kể hết những cây cầu của Venice, song cuốn hút nhất có lẽ là cầu Than thở, xưa kia tù nhân qua đây được ngắm nhìn thành phố lần cuối, cầu Tự do kỷ niệm ngày giải phóng, thoát khỏi chế độ phát xít, cầu Rơm nằm trên một tuyến đường chở rơm cho ngựa ăn vào Venice, cầu Hàn Lâm ở bên cạnh một bảo tàng đẹp nhất cả nước, cầu Tháp nhọn có những ngọn tháp bằng sắt...
CHU MẠNH CƯỜNG